I. KẾT QUẢ THỰC HIỆN NHIỆM VỤ 9 THÁNG ĐẦU NĂM 2022
1. Lĩnh vực kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh
1.1. Lĩnh vực kinh tế
- Sản xuất nông nghiệp
+ Tổng diện tích gieo cấy lúa cả năm đạt 12.281ha, bằng 99% kế hoạch, đạt 98,7% so với cùng kỳ năm 2021 (12.439 ha). Năng suất lúa cả năm ước đạt 63,7 tạ/ha, bằng 100,4% so với cùng kỳ năm 2021; sản lượng thóc ước đạt 78.243 tấn, giảm 0,9%. Diện tích cây rau màu ước đạt 1.722 ha, tăng 11,7%, năng suất ước đạt 246,89 tạ/ha, giảm 3,2%, sản lượng ước đạt 42.514 tấn tăng 8,1% so với cùng kỳ năm 2021. (Theo báo cáo của các xã, thị trấn tổng diện tích bỏ ruộng là: 98,08 ha, giảm 25,92ha so với năm 2021, trong đó vụ chiêm xuân 35,58 ha, vụ mùa 62,5 ha. Nguyên nhân chính bỏ ruộng chủ yếu do diện tích xa, chua trũng, sen kẹt đường đi lại khó khăn; sâu bệnh, chuột phá hoại).
+ Diện tích cây ăn quả toàn huyện ước đạt 713 ha, tăng 1,3% so với cùng kỳ năm 2021. Cây phân tán nhân dân ước trồng được trên 65.000 cây đạt 108,3% kế hoạch.
+ Công tác diệt chuột được chỉ đạo kịp thời, đồng loạt trên địa bàn toàn huyện, đã tổ chức cấp phát 100% thuốc diệt chuột Antimice 3DP của tỉnh, của huyện là 2.944,5 kg (trong đó huyện hỗ trợ 1.504,5kg). Một số địa phương tích cực trong công tác diệt chuột bảo vệ sản xuất như Tứ Cường, Ngũ Hùng, Cao Thắng, Thanh Tùng…
+ Tổng đàn trâu có 750 con, tăng 28%; đàn bò 1.855 con, giảm 6,5%; đàn lợn 36.580 con, tăng 4,6%, đàn gia cầm có 970.000 con, tăng 4,4%; ước sản lượng thịt hơi xuất chuồng 8.550 tấn, tăng 6,1%.
+ Tổng diện tích nuôi trồng thủy sản ước đạt 983 ha, bằng 100%, sản lượng thu hoạch ước đạt 4.985 tấn, tăng 3,9%; trong đó, diện tích nuôi cá, tôm đạt 933 ha, bằng 100%; sản lượng khai thác đạt 113 tấn.
+ Chín tháng đầu năm 2022 huyện Thanh Miện chịu ảnh hưởng của 03 đợt thiên tai: Rét đậm, rét hại và mưa lớn từ 18/2 đến 25/2/2022; hoàn lưu cơn bão số 2 từ ngày 10- 12/8/2022; hoàn lưu cơn bão số 3 từ 25- 26/8/2022, trong đó hoàn lưu cơn bão số 2 và số 3 gây mưa lớn đã làm ngập úng, tràn bờ, sạt lở, gây thiệt hại đến diện tích lúa, rau màu, nuôi trồng thủy sản và một số tuyến đê trên địa bàn huyện, ước thiệt hại 56,2 tỷ đồng. Tổng hợp nhu cầu các tuyến kênh đề nghị làm thủy lợi Đông xuân 2022- 2023 do địa phương quản lý trình cấp tỉnh. Xây dựng kế hoạch thu, nộp quỹ phòng, chống thiên thai năm 2022.
- Công nghiệp, xây dựng, giao thông
+ Hoàn thiện quy hoạch mạng lưới khu, cụm công nghiệp (CCN) gắn với ý tưởng xây dựng Vùng kinh tế chuyên biệt của tỉnh, Quy hoạch xây dựng vùng huyện và quy hoạch chung xây dựng các xã, thị trấn; trình UBND tỉnh phê duyệt hồ sơ thành lập, hồ sơ Quy hoạch chi tiết xây dựng CCN Tứ Cường - Chi Lăng Bắc, CCN Tứ Cường; điều chỉnh Quy hoạch chi tiết xây dựng CCN Đoàn Tùng 2 và phương án mở rộng CCN Ngũ Hùng - Thanh Giang.
+ Hoàn thành công tác đầu tư xây dựng đường dây trung thế và 07 trạm biến áp chống quá tải; triển khai dự án cải tạo lưới điện trung áp huyện Thanh Miện và Bình Giang; phương án hạ ngầm hệ thống điện hạ thế trên một số tuyến phố chính, phục vụ chỉnh trang đô thị tại thị trấn Thanh Miện; thực hiện tốt phương án đảm bảo cấp điện an toàn, hiệu quả phục vụ sản xuất và sinh hoạt của Nhân dân. Sản lượng điện thương phẩm ước đạt 168,61 triệu kWh, tăng 5,62%; giá trị sản xuất công nghiệp (giá cố định 2010) ước đạt 1.996,0 tỷ đồng, tăng 22,8% so với cùng kỳ năm 2021.
+ Hoàn thiện công tác chuẩn bị đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường trục Bắc - Nam của huyện (giai đoạn 1); triển khai thi công Dự án đầu tư xây dựng đường trục Đông - Tây của tỉnh, đoạn qua địa bàn huyện; khởi công Dự án cải tạo, nâng cấp đường huyện 195, đoạn từ Km4+300 đến Km7+800, đường huyện Bình Xuyên - Ngô Quyền - Tân Trào.
- Tài chính, tín dụng
+ Thu ngân sách đạt kết quả khá, tổng thu ngân sách nhà nước 09 tháng ước đạt 379,108 tỷ đồng, bằng 122% dự toán năm, tăng 1,4% so với cùng kỳ năm 2021; trong đó: Thu các sắc thuế, phí, lệ phí và thu khác đạt 66,669 tỷ đồng, bằng 109,7% dự toán; thu tiền sử dụng đất đạt 312,439 tỷ đồng, bằng 125 % dự toán.
+ Tổng chi ngân sách huyện 09 tháng ước thực hiện 373,151 tỷ đồng, bằng 69,5% dự toán năm; trong đó: Chi đầu tư xây dựng cơ bản 124,493 tỷ đồng, bằng 66,9% dự toán; chi thường xuyên 246,978 tỷ đồng, bằng 72,3% dự toán; chi dự phòng 1,680 tỷ đồng, bằng 17,3% dự toán.
+ Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chi nhánh Thanh Miện: Nguồn vốn huy động ước đạt 3.457 tỷ đồng, dư nợ tín dụng ước giải ngân 1.934 tỷ đồng, nợ xấu 2 tỷ 923 triệu bằng 0,15 % tổng dư nợ. Ngân hàng Chính sách xã hội huyện: Nguồn vốn huy động ước đạt 40 tỷ 982 triệu đồng; dư nợ tín dụng 312 tỷ 586 triệu đồng; nợ xấu 387 triệu đồng, bằng 0,001% tổng dư nợ. Các quỹ tín dụng trên địa bàn huyện: Nguồn vốn huy động ước đạt 1.333 tỷ đồng; dư nợ tín dụng 1.157 tỷ đồng; nợ xấu 470 triệu đồng, bằng 0,04% tổng dư nợ.
- Tài nguyên và môi trường
+ Tiếp tục thực hiện giải phóng mặt bằng, lập hồ sơ thu hồi, giao, cho thuê đất; triển khai thực hiện 14 dự án, công trình, diện tích đất thu hồi 230,06 ha.
+ Cấp giấy chứng nhận lần đầu cho 237 trường hợp, 22.905 m2; tiếp nhận, lập và thẩm định hồ sơ sử dụng đất, giải quyết cho 4.260 trường hợp; xử lý đất dôi dư xen kẹp 21 trường hợp, 943 m2, số tiền 1 tỷ 411 triệu 789 nghìn đồng.
1.2. Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội
- Y tế
+ Tính đến ngày 12/9/2022, trên địa bàn huyện ghi nhận 24.850 ca F0, có 24.850 ca F0 được cấp mã thẻ; tổng số người trong độ tuổi được tiêm vắc - xin 122.850 người, bằng 97,65%; trong đó: Từ 18 tuổi trở lên 98.523 người, bằng 98,87%; từ 12 đến dưới 18 tuổi 10.809 người, bằng 99,99%; từ 5 tuổi đến dưới 12 tuổi 13.518 người, bằng 88,06%; số người được tiêm đủ 3 mũi chiếm 77,67%, tiêm đủ 4 mũi chiếm 11,62%.
+ Thực hiện tốt công tác khám chữa bệnh; bảo đảm thường trực 24/24 giờ kịp thời khám, cấp cứu, điều trị bệnh nhân. Trung tâm Y tế huyện: Số lần khám bệnh: 64.196 lượt người, đạt 71,3% Kế hoạch (giảm so cùng kỳ năm 2021); số lượt điều trị nội trú 6.384 bệnh nhân, đạt 73,6 % Kế hoạch (tăng so cùng kỳ năm 2021). Trạm Y tế các xã, thị trấn: Số lần khám bệnh: 33.939 lượt người, đạt 67,9% Kế hoạch (giảm so cùng kỳ năm 2021). Các phòng khám tư nhân: Số lần khám bệnh: 58.959 lượt người (tăng so cùng kỳ năm 2021).
- Giáo dục và Đào tạo
+ Năm học 2022-2023, toàn huyện có trên 33 nghìn học sinh từ bậc học mầm non đến THPT, với 57 trường, 884 phòng học, trên 1.700 cán bộ, giáo viên, nhân viên. Huyện ủy, UBND huyện lãnh đạo, triển khai 10 nhiệm vụ trọng tâm với những giải pháp cụ thể nhằm tiếp tục nâng cao chất lượng công tác giáo dục, phấn đấu giữ vững vị trí tốp đầu của tỉnh về chất lượng thi học sinh giỏi các cấp, chất lượng thi vào lớp 10 và tốt nghiệp THPT.
+ Đầu năm học 2022-2023, huyện Thanh Miện có thêm 02 trường đạt chuẩn quốc gia, gồm: Trường mầm non xã Đoàn Kết và Trường THCS xã Tân Trào. Đến nay, toàn huyện có 48/52 trường Chuẩn quốc gia, trong đó có 12 trường chuẩn quốc gia mức độ 2. Có 3/3 trường THPT công lập đạt chuẩn quốc gia.
- Văn hóa, thể thao
+ Tưng bừng đêm hội trăng rằm: Tỉnh đoàn Hải Dương phối hợp Sở Lao động, Thương binh và Xã hội và UBND huyện đã tổ chức chương trình Đêm hội trăng rằm “Thắp sáng ước mơ thiếu nhi Hải Dương” năm 2022 với sự tham dự của gần 2.000 thanh thiếu nhi trên địa bàn huyện. Tại chương trình, Ban tổ chức đã trao tặng 10 suất học bổng Doremon cho 10 thiếu nhi vượt khó học giỏi; tỉnh trao 100 suất quà, Huyện nhà trao 51 suất quà cho trẻ em hoàn cảnh khó khăn. Cũng nhân dịp Tết trung thu cổ truyền của Dân tộc, các địa phương đều đồng loạt tổ chức các hoạt động văn hóa văn nghệ, tặng quà cho thiếu nhi, đảm bảo 100% thiếu nhi trên địa bàn huyện đều có quà.
+ Thanh Miện đoạt 03 huy chương tại giải Bóng chuyền bãi biển (Huy chương Vàng nội dung đôi nữ; Huy chương Bạc đôi nam; Huy chương Đồng đôi nữ). Đây là môn thi đấu cuối cùng trong khuôn khổ Đại hội thể dục thể thao tỉnh Hải Dương.
- Thực hiện chính sách, xã hội
+ Ban chỉ đạo hỗ trợ nhà ở cho người có công huyện đã tổ chức bàn giao kinh phí hỗ trợ xây, sửa nhà cho người có công nhân dịp kỷ niệm 77 năm ngày thương binh, liệt sĩ. Qua rà soát, có 35 trường hợp người có công đủ điều kiện nhận tiền hỗ trợ xây, sửa nhà với tổng số tiền hỗ trợ là 01 tỷ 645 triệu đồng từ nguồn quỹ "Đền ơn đáp nghĩa huyện". Trong đó, có 22 hộ xây mới nhà ở, được hỗ trợ 60 triệu đồng/nhà; 13 hộ sửa nhà được hỗ trợ 25 triệu đồng/nhà.
+ Ngày hội hiến máu tình nguyện: Với ý nghĩa “Mỗi giọt máu cho đi, một cuộc đời ở lại”, trong những năm gần đây phong trào hiến máu tình nguyện trên địa bàn huyện đã thu hút sự tham gia của nhiều người dân với mọi lứa tuổi, số lượng người hiến máu năm sau luôn cao hơn năm trước. Tại ngày hội đã có trên 1.000 cán bộ, công nhân và người lao động của huyện đăng ký tham gia hiến máu. Qua kiểm tra, sàng lọc, Ban tổ chức đã tiếp nhận được 591 đơn vị máu đạt tiêu chuẩn. Số máu này sẽ được bảo quản và sử dụng cho những bệnh nhân cần máu. Qua đó, góp phần giáo dục truyền thống “tương thân tương ái” và ý thức trách nhiệm vì cộng đồng cho mỗi người dân trên địa bàn
1.3. Lĩnh vực nội chính
- Công tác Quốc phòng, quân sự địa phương
+ Duy trì nghiêm chế độ trực Chỉ huy, trực ban, trực sẵn sàng chiến đấu, tuần tra canh gác đảm bảo an toàn tuyệt đối các mục tiêu đảm nhiệm. Xây dựng và triển khai các kế hoạch bảo vệ các ngày lễ lớn, tổ chức kiểm soát quân sự và trực sẵn sàng chiên đấu phòng không bảo vệ an toàn tuyệt đối những sự kiện chính trị trọng đại của đất nước, địa phương.
+ Tổ chức tốt việc triển khai xây dựng kế hoạch xây dựng lực lượng dân quân tự vệ, chỉ đạo các cơ sở tổ chức sắp xếp, biên chế lực lượng theo đúng quy định của Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh và luật dân quân tự vệ.
+ Xây dựng kế hoạch và triển khai cho Ban chỉ huy quân sự các xã, thị trấn tổ chức đăng ký, rà soát bổ sung độ tuổi 17 và nguồn động viên tuyển quân năm 2022, kết quả độ tuổi 17 có 833 công dân trong độ tuổi nhập ngũ.
- Công tác bảo đảm trật tự an toàn xã hội (tháng 9/2022)
+ Vi phạm pháp luật về trật tự xã hội: Xảy ra 03 vụ, gồm: 01 vụ đánh bạc, 01 vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản; 01 vụ giao cấu với trẻ từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi. Công an huyện đã điều tra làm rõ 03 vụ, đạt tỷ lệ 100%.
+ Xảy ra 02 vụ tai nạn giao thông đường bộ làm 02 người chết; 01 người chết do đuối nước; 01 người chết chưa rõ nguyên nhân.
+ Công an huyện triển khai, thực hiện kế hoạch tuần tra kiểm soát phòng ngừa, ngăn chặn, trấn áp các loại tội phạm và vi phạm pháp luật trên các tuyến giao thông đường bộ, khu vực công cộng trên địa bàn huyện Thanh Miện. Phát hiện, xử lý 07 đối tượng có hành vi lạng lách, đánh võng điều khiển mô tô, xe gắn máy với tốc độ cao.
+ Phát hiện, bắt giữ 03 vụ, 20 đối tượng về hành vi đánh bạc, khởi tố 01 vụ, 11 bị can; xử lý hành chính 02 vụ 09 trường hợp. Phát hiện, xử lý 01 vụ, 01 đối tượng vi phạm pháp luật về kinh tế. Phát hiện, xử lý 05 vụ vi phạm pháp luật về môi trường.
+ Công tác phòng cháy, chữa cháy (PCCC) và cứu hộ, cứu nạn (CHCN): Xử lý 03 cơ sở vi phạm quy định về PCCC, số tiền 11 triệu đồng. Xây dựng, triển khai kế hoạch phân công lực lượng tham gia phục vụ, bảo đảm ANTT tại Hội thi nghiệp vụ chữa cháy và diễn tập phương án chữa cháy tại chợ Hà Phương.
Ảnh: Diễn tập phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn tại Chợ khu đô thị Hà Phương
- Công tác tư pháp, thanh tra, tiếp dân, thi hành án
+ Công tác tiếp dân, xử lý đơn thư được thực hiện hiệu quả, đúng quy định. Trong 9 tháng, Chủ tịch UBND huyện tiếp 02 lần bằng 11 lượt, 14 người. Ban tiếp công dân tiếp 03 lần bằng 05 lượt, 05 người. Tổng số đơn do Chủ tịch UBND huyện tiếp nhận 18 đơn, trong đó: 03 đơn tố cáo, 03 đơn khiếu nại, 12 đơn đề nghị. Sau khi nghiên cứu, Chủ tịch UBND huyện đã giao Ban Tiếp công dân huyện chuyển đơn đến các cơ quan, đơn vị để xem xét, giải quyết theo thẩm quyền.
2. Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị
2.1. Công tác Đảng
- Công tác chính trị, tư tưởng
+ Cấp ủy huyện đã thống nhất và chỉ đạo thực hiện 03 công việc đột phá; đồng thời chỉ đạo thẩm định nội dung công việc đột phá và kế hoạch thực hiện công việc đột phá của các tổ chức cơ sở đảng trong năm 2022 (có 38/38 tổ chức cơ sở đảng đăng ký thực hiện 87 công việc đột phá).
+ Thành lập Ban Biên tập bản tin nội bộ huyện; phát hành bản tin nội bộ hằng tháng; kiện toàn tổ cộng tác viên Ban Chỉ đạo 35 huyện; đội ngũ cộng tác viên dư luận xã hội, giảng viên kiêm chức.
+Công tác giảng dạy lý luận chính trị tại Trung tâm Chính trị huyện tiếp tục được chú trọng. Đã chỉ đạo mở và hoàn thành 19 lớp đào tạo, bồi dưỡng, hội nghị tập huấn với 14 loại chương trình cho 1.341 học viên, đạt 76,5% kế hoạch năm; duy trì các kỳ học và tổ chức thi tốt nghiệp lớp Trung cấp Lý luận chính trị - hành chính A 186 (khóa 25) cho 68 học viên.
- Công tác tổ chức xây dựng đảng
+ Chín tháng đầu năm 2022 đã kết nạp 100 quần chúng ưu tú vào Đảng, cho rút khỏi Đảng 05 đồng chí, cho xóa tên 09 đồng chí, thực hiện đầy đủ các quy trình thủ tục về nghiệp vụ công tác đảng viên; đề nghị tặng Huy hiệu Đảng cho 408 đồng chí. Chỉ đạo thành lập 02 tổ chức đảng trong quỹ tín dụng nhân dân trực thuộc đảng bộ cơ sở và 01 tổ chức đảng trực thuộc Đảng bộ khối Chính quyền.
+ Hướng dẫn công tác nhân sự bầu cử trưởng thôn, khu dân cư và đại hội chi bộ trực thuộc đảng ủy cơ sở nhiệm kỳ 2022-2025. Phê duyệt quy hoạch đối với các chức danh cán bộ diện Ban Thường vụ Huyện ủy quản lý nhiệm kỳ 2020 - 2025, 2021 - 2026 và nhiệm kỳ 2025 - 2030, 2026 - 2031. Bổ nhiệm 06 đồng chí, bổ nhiệm lại đối với 07 đồng chí; điều động, luân chuyển 28 đồng chí đối với các chức danh diện Huyện uỷ quản lý; hiệp y với ngành dọc cấp trên về công tác cán bộ đối với 32 đồng chí. Kiện toàn bí thư cấp ủy cơ sở đối với 02 đồng chí, phó bí thư cấp ủy cơ sở đối với 05 đồng chí.
Bổ nhiệm cán bộ
Kiện toàn chức danh Bí thư Đảng ủy Thị trấn Thanh Miện: Theo đó, đồng chí Vũ Văn Nguyễn, Phó Chánh Văn phòng HĐND-UBND huyện được Ban Thường vụ Huyện ủy luân chuyển điều động chỉ định tham gia Ban chấp hành, Ban Thường vụ đảng ủy và giữ chức Bí thư Đảng ủy Thị trấn Thanh Miện nhiệm kỳ 2020-2025 (thay đồng chí Hoàng Văn Thông, nghỉ chế độ hưu trí)
Ảnh: Đồng chí Đồng Dũng Mạnh, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện trao quyết định
cho đồng chí Vũ Văn Nguyễn
UBND huyện điều động, luân chuyển vị trí công tác cho 04 đồng chí từ tháng 9 năm 2022. Tróng đó, UBND huyện đã tiếp nhận, điều động bà Phạm Thị Bông, Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện đến nhận công tác tại Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện và giữ chức Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, thời hạn 5 năm, kể từ ngày 20/9/2022. Bổ nhiệm ông Ngô Đình Lâm, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Thanh Miện, giữ chức Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Thanh Miện thời hạn 5 năm kể từ ngày 01/9/2022. Tiếp nhận và bổ nhiệm ông Nguyễn Tiến Lâm, Trưởng phòng Nghiệp vụ 1, Ban Giải phóng mặt bằng thành phố Hải Dương, giữ chức vụ Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện, thời hạn 5 năm, kể từ ngày 01/9/2022. Tiếp nhận và bổ nhiệm ông Lê Thanh Tùng, chuyên viên phòng Điều hành dự án 1, Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh Hải Dương, giữ chức vụ Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện, thời hạn 5 năm, kể từ ngày 01/9/2022.
- Công tác kiểm tra, giám sát
+ Cấp ủy huyện đã thực hiện 02 cuộc kiểm tra đối với 09 tổ chức cơ sở đảng, 09 đảng viên là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền; 02 cuộc giám sát đối với 09 tổ chức cơ sở đảng và 04 đảng viên là người đứng đầu cấp ủy. Đảng ủy cơ sở kiểm tra 21 chi bộ, 28 đảng viên; giám sát 40 tổ chức đảng, 45 đảng viên.
+ Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với 02 đảng viên, 01 tổ chức đảng, kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát đối với 05 tổ chức đảng; giám sát đối với 02 đảng viên diện Huyện ủy quản lý; tiếp nhận 22 đơn thư khiếu nại, tố cáo. Cấp ủy hai cấp và chi bộ thi hành kỷ luật 14 đảng viên; trong đó Ban Thường vụ Huyện ủy quyết định thi hành kỷ luật 02 đảng viên. Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy quyết định thi hành kỷ luật 04 đảng viên.
- Công tác dân vận
+ Chỉ đạo, đôn đốc thực hiện công việc đột phá của huyện về “Nâng cao hiệu quả hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội huyện và cơ sở”; tổ chức hội nghị tiếp xúc đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền huyện với nhân dân năm 2022 tại xã Lê Hồng và xã Chi Lăng Bắc. Duy trì, nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ COVID, hoạt động của các nhóm zalo cộng đồng. Đẩy mạnh và nâng cao chất lượng các phong trào thi đua “Dân vận khéo”. Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động và kiện toàn thành viên Ban Chỉ đạo Công tác tôn giáo và Ban Chỉ đạo thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở huyện.
+ Ban Thường vụ Huyện ủy ban hành Quyết định số 288-QĐ/HU ngày 07/9/2022 về Quy chế công tác dân vận trong hệ thống chính trị. Ban Chỉ đạo Công tác tôn giáo kiểm tra tình hình thực tế tại các cơ sở tôn giáo trên địa bàn huyện ở 7 đơn vị. Ban chỉ đạo thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở xây dựng kế hoạch kiểm tra việc thực hiện dân chủ ở cơ sở năm 2022.
- Công tác nội chính, phòng, chống tham nhũng và cải cách tư pháp
+ Cấp ủy huyện đã ban hành nghị quyết, chỉ thị về công tác quốc phòng - quân sự địa phương, công tác đảm bảo an ninh trật tự; nhiệm vụ công tác kiểm sát, công tác tòa án; công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo và phòng, chống tham nhũng; công tác thi hành án dân sự, theo dõi thi hành án hành chính năm 2022.
+ Chỉ đạo tổ chức tốt diễn tập chiến đấu phòng thủ xã Phạm Kha, xã Lam Sơn, xã Ngô Quyền, xã Tân Trào; diễn tập ngành Bưu điện, viễn thông; diễn tập ứng phó phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn xã Lê Hồng. Các cơ quan tư pháp tiếp tục nâng cao chất lượng công tác điều tra, truy tố, xét xử thi hành án, công tác thanh tra.
+ Công tác tiếp dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân được thực hiện nghiêm túc; đồng chí Bí thư Huyện ủy đã tiếp 33 công dân; Văn phòng Huyện ủy đã phối hợp giúp Thường trực Huyện ủy tiếp nhận, tham mưu xử lý 35 đơn thư của đảng viên và công dân theo quy định.
2.2. Công tác xây dựng chính quyền
- Hoàn thành bầu cử trưởng thôn, khu dân cư nhiệm kỳ 2022-2025: Ngày chủ nhật 18 - 9, huyện Thanh Miện đã tổ chức thành công cuộc bầu cử trưởng thôn, khu dân cư nhiệm kỳ 2022 - 2025. Kết quả tất cả 83 thôn, khu dân cư ở huyện Thanh Miện đều đã bầu được trưởng thôn, khu dân cư, tỷ lệ cử tri đi bầu đạt gần 100%. Tất cả trưởng thôn, khu dân cư trúng cử lần này đều là đảng viên được các chi bộ giới thiệu ứng cử, đồng thời tại đại hội chi bộ nhiệm kỳ 2022-2025 các đồng chí này tiếp tục được giới thiệu ứng cử chi ủy và chức danh bí thư chi bộ. Đây là nhiệm kỳ thứ 3 huyện Thanh Miện tổ chức bầu cử trưởng thôn, khu dân cư đồng loạt trong 01 ngày. Do làm tốt công tác chuẩn bị về mọi mặt nên cuộc bầu cử đã diễn ra an toàn, đúng luật, phát huy quyền làm chủ của nhân dân...
- Thực hiện cải cách hành chính: Trong 09 tháng, Bộ phận Một cửa 02 cấp huyện, xã đã tiếp nhận 66.267 hồ sơ (Tiếp nhận trực tuyến, DVC mức độ 3,4: 39.087 hồ sơ, đạt 58,9 %; trực tiếp và Bưu chính công ích: 26.940 hồ sơ, chiếm 40,6%; kỳ trước chuyển qua: 240 hồ sơ). Hồ sơ trả trước và đúng hạn: 65.123 hồ sơ, đạt 99,8%; trả quá hạn: 132 hồ sơ, chiếm 0,2%; đang giải quyết 1.012 hồ sơ; tiếp nhận, xử lý và giải quyết 01 phản ánh kiến nghị của công dân về hành vi hành chính của công chức cấp xã, báo cáo UBND tỉnh, đăng tải công khai trên Cổng thông tin điện tử huyện. Số hóa hồ sơ thủ tục hành chính (TTHC): Số hóa tiếp nhận TTHC đạt 55%, số hóa kết quả giải quyết TTHC đạt 23,1%.
THỐNG KÊ TỔNG HỢP TÌNH HÌNH SỐ HOÁ HỒ SƠ THỦ TỤC HÀNH CHÍNH |
(Từ ngày 25 tháng 08 năm 2022 đến ngày 23 tháng 09 năm 2022) |
| | | | | |
STT | Đơn vị (Cơ quan) | Số hoá kết quả giải quyết TTHC |
| | Số hồ sơ đã giải quyết | Số hồ sơ chưa số hoá kết quả TTHC | Số hồ sơ có số hoá kết quả | Tỷ lệ số hoá kết quả hồ sơ |
| | (6) | (7) | (8) | (9)=(8)/(6) |
1 | Xã Thanh Tùng | 418 | 2 | 416 | 99.52 |
2 | Xã Ngũ Hùng | 292 | 2 | 290 | 99.32 |
3 | Xã Thanh Giang | 656 | 9 | 647 | 98.63 |
4 | Xã Hồng Phong | 410 | 6 | 404 | 98.54 |
5 | Xã Chi Lăng Bắc | 544 | 9 | 535 | 98.35 |
6 | Xã Đoàn Kết | 315 | 11 | 304 | 96.51 |
7 | Xã Hồng Quang | 454 | 16 | 438 | 96.48 |
8 | Xã Đoàn Tùng | 404 | 17 | 387 | 95.79 |
9 | Xã Tân Trào | 187 | 8 | 179 | 95.72 |
10 | Xã Ngô Quyền | 249 | 11 | 238 | 95.58 |
11 | Xã Lam Sơn | 355 | 16 | 339 | 95.49 |
12 | Thị trấn Thanh Miện | 572 | 28 | 544 | 95.1 |
13 | Xã Chi Lăng Nam | 441 | 24 | 417 | 94.56 |
14 | Xã Phạm Kha | 579 | 34 | 545 | 94.13 |
15 | Xã Tứ Cường | 912 | 67 | 845 | 92.65 |
16 | Xã Cao Thắng | 226 | 20 | 206 | 91.15 |
17 | Bộ phận TN&TKQ huyện | 197 | 19 | 178 | 90.36 |
18 | Xã Lê Hồng | 218 | 24 | 194 | 88.99 |
| Tổng số | 7429 | 323 | 7106 | 95.65 |
2.3. Hoạt động của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội
- Ủy ban Mặt trận Tổ quốc hai cấp đã tích cực hỗ trợ các hộ nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn; trong đó, phối hợp tặng 1.582 suất quà, trị giá 258.500.000 đồng cho gia đình chính sách, người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn nhân dịp tết Nguyên đán Nhâm Dần; hỗ trợ cho 35 hộ người có công xây, sửa nhà với tổng số tiền 1.645.000.000 đồng; trích Quỹ Vì người nghèo của huyện số tiền 120.000.000 đồng hỗ trợ xây 03 ngôi nhà Đại đoàn kết. Tiếp tục triển khai thực hiện các phong trào thi đua, các cuộc vận động; đôn đốc thực hiện công việc đột phá của huyện về “Nâng cao hiệu quả hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội huyện, cơ sở.
Thực hiện tốt việc vận động, tiếp nhận các nguồn lực ủng hộ công tác phòng, chống dịch bệnh; đến nay đã tiếp nhận 2.609.824.500 đồng Quỹ ủng hộ phòng, chống dịch COVID-19 và 1.808.440.370 đồng Quỹ ủng hộ mua vắc xin. Công tác mặt trận tham gia xây dựng Đảng, chính quyền, xây dựng và củng cố tổ chức được chú trọng; phối hợp tổ chức tiếp xúc cử tri của đại biểu HĐND tỉnh, các tổ đại biểu của HĐND huyện; hướng dẫn bầu cử trưởng thôn, trưởng khu dân cư, nhiệm kỳ 2022 - 2025.
- Hội Cựu Chiến binh hai cấp triển khai thực hiện nghị quyết đại hội Hội Cựu chiến binh nhiệm kỳ 2022 - 2027, xây dựng quy chế làm việc của Hội. Tích cực tham gia công tác vệ sinh môi trường, trồng thêm 1.200 cây xanh tại bãi rác tập trung của các xã, thị trấn; duy trì tín chấp ủy thác vốn vay với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện với dư nợ 19.054.000.000 đồng cho 472 hộ vay. Chỉ đạo tổ chức thành công đại hội Hội Cựu chiến binh hai cấp huyện và cơ sở, nhiệm kỳ 2022 - 2027. Phối hợp thực hiện tốt tác chế độ, chính sách, công tác tình nghĩa và tích cực chăm lo đời sống cho cán bộ, hội viên; kết nạp mới 152 hội viên.
- Các phong trào thi đua của hội được duy trì, triển khai đồng bộ, toàn diện bằng nhiều hình thức thiết thực; trong đó thành lập Chi hội Nghề nghiệp “Sản xuất, kinh doanh, dịch vụ” với 32 thành viên; duy trì 27 mô hình câu lạc bộ vệ sinh môi trường; thực hiện dự án phân loại rác thải tại hộ gia đình nông dân ở xã Hồng Phong; tổ chức thành công Hội thi nhà nông đua tài. Các hoạt động dịch vụ, tư vấn, hỗ trợ nông dân được đẩy mạnh; cung ứng trên 300 tấn phân bón các loại. Duy trì và phát triển các loại quỹ hỗ trợ, tín chấp với ngân hàng cho hội viên vay vốn phát triển kinh tế; phối hợp với Ngân hàng Nông nghiệp & PTNT cho 2.196 hộ hội viên vay với số tiền là 711 tỷ đồng, phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội cho 1.321 hội viên vay với số tiền là 65,737 tỷ đồng. Xây dựng kế hoạch chuẩn bị tổ chức Đại hội Hội Nông dân hai cấp huyện và cơ sở nhiệm kỳ 2023 - 2028.
- Hội Liên hiệp Phụ nữ hai cấp tích cực tham gia hưởng ứng đợt thi đua đặc biệt chào mừng Đại hội đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII; Hội đã thực hiện 37 công trình, phần việc. Các nhiệm vụ trọng tâm của Hội được quan tâm chỉ đạo thực hiện; nổi bật là: Triển khai chương trình “Mẹ đỡ đầu”, huyện hội đã phối hợp với các tổ chức, cá nhân nhận đỡ đầu 167 trẻ em mồ côi, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn; tích cực tham gia thực hiện các phần việc xây dựng nông thôn mới nâng cao; tiếp tục khai thác 241 tỷ 080 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội và Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho cho 4.296 hộ vay vốn. Công tác xây dựng tổ chức Hội, tham gia xây dựng Đảng, giám sát, phản biện xã hội được chú trọng; trong đó, phối hợp trợ giúp pháp lý tại 08 xã, hòa giải thành công 03 vụ mâu thuẫn đất đai và 02 vụ mâu thuẫn gia đình; kết nạp mới 275 hội viên.
- Đoàn Thanh niên cấp huyện và cơ sở làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị tư tưởng cho đoàn viên; triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, nhiệm kỳ 2022 - 2027. Đoàn cơ sở thực hiện 16 công trình, phần việc thanh niên, đoàn cấp huyện có 02 công trình thanh niên. Tổ chức hành trình “Đông ấm vùng cao” với tổng giá trị chương trình trên 200 triệu đồng; tham gia hỗ trợ nhân dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến; phối hợp tổ chức 02 đợt hiến máu tình nguyện; gặp mặt, động viên thanh niên lên đường nhập ngũ; thành lập 3 đội thanh niên tình nguyện tham gia hỗ trợ kỳ thi tốt nghiệp THPT; cài đặt ứng dụng chuyển đổi số trong đoàn viên, thanh niên…; duy trì tín chấp với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện cho 346 hộ vay vốn với tổng dư nợ 16 tỷ 933,5 triệu đồng; giới thiệu cho Đảng xem xét kết nạp được 91 đảng viên mới.
- Liên đoàn lao động huyện chú trọng tham gia quản lý, chăm lo đời sống, đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên và người lao động; trong đó tiếp tục đưa nội dung bữa ăn ca vào Thỏa ước lao động tập thể; tổng hợp danh sách công nhân lao động đề nghị hỗ trợ tiền thuê nhà trợ theo Quyết định số 08/2022/QĐ-TTg, ngày 28/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ; đã tặng 179 suất quà, Lễ phát động tháng công nhân đã tặng 63 suất quà, tặng 15 suất quà nhân kỷ niệm 93 năm Ngày thành lập Công đoàn Việt Nam cho công nhân, lao động có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Chỉ đạo tổ chức các phong trào thi đua, gắn với các ngày lễ kỷ niệm và các sự kiện lớn trong năm. Tham gia kiểm tra công tác phòng chống dịch bệnh tại các doanh nghiệp. Công tác phát triển đoàn viên, xây dựng tổ chức công đoàn vững mạnh được chú trọng; phát triển 826 đoàn viên.
3. Hoạt động của các đồng chí lãnh đạo huyện tháng 9/2022
- Ngày 17-18/9/2022, Thường trực Huyện ủy đi kiểm tra, chỉ đạo công tác bầu cử trưởng thôn, khu dân cư nhiệm kỳ 2022 - 2025 trên địa bàn huyện; kết quả 83/83 thôn, khu dân cư đã bầu được trưởng thôn, trưởng khu dân cư.
- Thường trực Huyện ủy dự khai giảng năm học mới 2022 - 2023 và dự đón nhận danh hiệu Trường chuẩn quốc gia mức độ 1 Trường Mầm non Đoàn Kết, trường THCS Tân Trào. Về dự khai giảng năm học mới tại các trường, các đồng chí Thường trực Huyện ủy mong rằng Cấp ủy chi bộ, Ban giám hiệu nhà trường: Tiếp tục đoàn kết, thống nhất, thực hiện tốt công tác xây dựng chi bộ đảng trong sạch, vững mạnh. Thực hiện nghiêm túc quy chế dân chủ trong trường học; công khai, dân chủ, minh bạch các khoản thu, chi, đóng góp đầu năm học. Nâng cao hơn nữa chất lượng đội ngũ và chất lượng dạy học; chú trọng quan tâm chất lượng đại trà đi liền với nâng cao chất lượng mũi nhọn; chất lượng thi học sinh giỏi các cấp. Làm tốt công tác quản lý, giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh; nhất là chấp hành luật lệ an toàn giao thông, phòng tránh các tai tệ nạn xã hội.
Đồng thời đề nghị cấp ủy, chính quyền, ngành chức năng tiếp tục quan tâm, tạo mọi điều kiện tốt nhất cho nhà trường, các thầy cô giáo thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, góp phần thúc đẩy phong trào giáo dục huyện Thanh Miện ngày một phát triển.
Thường trực Huyện ủy, Ban Thường vụ Huyện ủy nghe và cho ý kiến một số nội dung:
+ Kết quả thực hiện nguồn kinh phí Nghị định 35/2015/NĐ-CP và đề xuất hỗ trợ kinh phí cho các sản phẩm OCOP cấp tỉnh năm 2022. Quy hoạch chi tiết xây dựng điểm dân cư tái định cư thị trấn Thanh Miện.
+ Kết quả sơ bộ sau hội nghị hiệp thương nhân sự trưởng thôn, khu dân cư và dự kiến nhân sự bí thư chi bộ thôn, khu dân cư nhiệm kỳ 2022-2025.
+ Dự thảo Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 12-NQ/TW, ngày 16/3/2022 của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh xây dựng lực lượng Công an nhân dân thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới”.
+ Kết quả kiểm tra việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Đề án “Chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng hàng hóa tập trung, giá trị kinh tế cao” và Kế hoạch “Phát triển chăn nuôi - thủy sản theo hướng tập trung” đối với 04 cấp ủy trực thuộc Huyện ủy và 04 đảng viên là người đứng đầu UBND xã. Kết quả giám sát việc lãnh đạo, thực hiện các đề án, kế hoạch, chương trình hành động thực hiện nghị quyết đại hội đảng bộ cơ sở và đại hội đảng bộ huyện, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đối với 06 cấp ủy trực thuộc Huyện ủy.
+ Chủ trương hỗ trợ xây nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo, hộ cận nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn về nhà ở nhân ngày hội đại đoàn kết toàn dân và kỷ niệm 92 năm Ngày thành lập Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
II. NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM NHỮNG THÁNG CUỐI NĂM
1. Lĩnh vực kinh tế - xã hội - quốc phòng an ninh
- Chủ động theo dõi tình hình sâu bệnh, chuột phá hoại để chỉ đạo phòng trừ kịp thời; tiếp tục phát triển mở rộng quy mô đàn gia súc, gia cầm và diện tích nuôi trồng thủy sản; phối hợp tăng cường công tác kiểm tra hoạt động kinh doanh vật tư nông nghiệp, thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn chăn nuôi và thuốc thú y trên địa bàn; chú trọng công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.
- Phối hợp tổ chức giải phóng mặt bằng dự án Đầu tư xây dựng đường trục Bắc Nam của huyện (giai đoạn 1); tổ chức khởi công dự án Cải tạo, nâng cấp đường xã Hồng Phong; đẩy nhanh tiến độ thi công dự án Đầu tư xây dựng đường trục Đông - Tây của tỉnh, đoạn qua địa bàn huyện; dự án Cải tạo, nâng cấp đường huyện 195, đường huyện Bình Xuyên - Ngô Quyền - Tân Trào, đường vành đai phía Đông Bắc thị trấn Thanh Miện.
- Tăng cường công tác y tế dự phòng, các hoạt động chăm sóc sức khỏe ban đầu cho Nhân dân; chủ động bám sát tình hình diễn biến của dịch Covid-19, đặc biệt là những biến thể mới, sẵn sàng chủ động mọi phương án ứng phó trong trường hợp dịch bùng phát trở lại; thực hiện tốt kế hoạch tiêm vắc - xin phòng Covid-19 mũi 3, mũi 4 cho các đối tượng, đặc biệt là trẻ em theo hướng dẫn của ngành y tế.
- Triển khai thực hiện kế hoạch nhiệm vụ năm học 2022 - 2023 ở các cấp học, bậc học; tập trung thực hiện kế hoạch nâng cao tỷ lệ huy động trẻ trong độ tuổi Nhà trẻ đến trường; tập trung đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, chất lượng đại trà và chất lượng học sinh giỏi; tiếp tục rà soát các điều kiện về đội ngũ, thực hiện Kế hoạch tuyển dụng giáo viên, nhân viên theo kế hoạch của UBND tỉnh và huyện; tăng cường cơ sở vật chất các nhà trường đáp ứng với yêu cầu mới.
- Thực hiện tốt các chế độ, chính sách đối với người có công với cách mạng, các đối tượng bảo trợ xã hội; đôn đốc, hướng dẫn các xã, thị trấn hoàn thiện hồ sơ về nhà ở của người có công đã đủ điều kiện để trình cấp có thẩm quyền quyết định hỗ trợ; thực hiện đồng bộ, hiệu quả các chính sách khuyến khích thoát nghèo, chương trình giảm nghèo, góp phần cải thiện và nâng cao chất lượng đời sống Nhân dân.
- Duy trì và thực hiện nghiêm chế độ sẵn sàng chiến đấu của lực lượng vũ trang; chủ động phối hợp nắm chắc tình hình an ninh chính trị, trật tự ATXH, tình hình địa bàn; chỉ đạo các xã, thị trấn nắm chắc nguồn tuyển quân, tổ chức khám sơ tuyển, khám tuyển nghĩa vụ quân sự theo quy định; tiếp tục thực hiện tốt công tác phòng, chống giảm nhẹ thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; tổ chức các cuộc diễn tập, huấn luyện theo kế hoạch.
2. Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị
- Chỉ đạo và tổ chức học tập, quán triệt, cũng như sơ kết, tổng kết nghiêm túc các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương, của Tỉnh ủy. Tiến hành sơ kết giữa nhiệm kỳ thực hiện các đề án, kế hoạch, dự án trọng điểm hai cấp huyện và cơ sở theo kế hoạch. Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiểu quả công tác tuyên truyền, nắm bắt dư luận xã hội đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Thực hiện nghiêm túc Kết luận số 01-KL/TW, ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW.
- Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án “Xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, nhất là người đứng đầu, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, đáp ứng yêu cầu phát triển giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030”. Rà soát, bổ sung quy hoạch và xây dựng quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý khối trường học. Thực hiện luân chuyển cán bộ diện Ban Thường vụ Huyện ủy quản lý theo kế hoạch của Huyện ủy. Thực hiện nghiêm túc việc phân tích, đánh giá chất lượng tổ chức đảng, đảng viên năm 2022.
- Chủ động nắm tình hình, kịp thời kiểm tra và kết luận những tổ chức đảng, đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm; tăng cường thực hiện nhiệm vụ giám sát. Hoàn thành các cuộc kiểm tra, giám sát theo chương trình năm 2022 của cấp ủy huyện. Chú trọng nâng cao chất lượng các cuộc kiểm tra, giám sát theo chức năng, nhiệm vụ của Ủy ban Kiểm tra; thực hiện tốt chế độ tiếp công dân và đảng viên.
- Tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo nắm chắc tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, đảm bảo tuyệt đối an toàn các lễ hội, các sự kiện chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội trên địa bàn; triển khai kế hoạch xây dựng nhà làm việc công an cấp xã. Làm tốt công tác rà soát nguồn tuyển quân năm 2023. Tăng cường chỉ đạo công tác cải cách tư pháp, nâng cao chất lượng công tác điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án. Làm tốt công tác thanh tra, tiếp dân, giải quyết đơn thư của công dân.
- Chỉ đạo Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện công việc đột phá của huyện về “Nâng cao hiệu quả hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội huyện và cơ sở”; các công việc của Thường trực, Ban Thường vụ Huyện ủy giao. Nâng cao chất lượng các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước; chú trọng tính thiết thực, bền vững của các phong trào, các cuộc vận động. Chỉ đạo chuẩn bị tổ chức Đại hội Công đoàn và Hội Nông dân hai cấp huyện và cơ sở, nhiệm kỳ 2023 - 2028.
3. Định hướng tuyên truyền tháng 10/2022
1. Kết quả bầu cử trưởng thôn, khu dân cư; đại hội chi bộ trực thuộc đảng ủy nhiệm kỳ 2022 - 2025.
2. Kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội tháng 9 và 9 tháng đầu năm 2022, các giải pháp của Chính phủ, của tỉnh, huyện nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
3. Công tác đền bù, giải phóng mặt bằng để triển khai thực hiện các công trình, dự án, nhất là đường vành đai phía Đông Bắc thị trấn Thanh Miện, đường Bình Xuyên - Ngô Quyền, Khu đô thị mới Thanh Miện, đường trục Bắc - Nam huyện, đường trục Đông - Tây của tỉnh...; công tác chăm sóc, bảo vệ lúa Mùa; phòng, chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn; thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu.
4. Công tác phòng, chống dịch Covid -19, nhất là việc thực hiện tiêm vắc-xin cho các nhóm đối tượng. Trong đó, tuyên truyền kết quả công tác phòng, chống dịch Covid-19 thời gian qua của tỉnh, huyện, nhất là thời điểm bùng phát dịch ở Hải Dương chưa có tiền lệ, cả hệ thống chính trị và toàn dân đã vào cuộc để chống dịch, hạn chế tối đa thiệt hại về người, cùng với đó đã chủ động khôi phục, phát triển kinh tế hiệu quả.
5. Tuyên truyền kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước, địa phương, các ngành: 722 năm Ngày mất của anh hùng dân tộc Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn (1300 - 2022), Lễ hội mùa Thu Kiếp Bạc - Côn Sơn; ngày thành lập các cơ quan tham mưu, giúp việc cấp ủy (Ban Tổ chức 14/10, Ủy Ban Kiểm tra 16/10, Ban Dân vận 15/10, Văn phòng cấp ủy 18/10); ngày phụ nữ Việt Nam (20/10); Nông dân Việt Nam (14/10); Ngày truyền thống Hội Liên hiệp Thanh niên 15/10; Ngày Quốc tế người Cao tuổi 01/10,...
III. THÔNG TIN CƠ SỞ
ĐẢO CÒ CHI LĂNG NAM, VIÊN NGỌC QUÝ THIÊN NHIÊN BAN TẶNG
Đảo Cò Chi Lăng Nam nổi lên như một viên ngọc quý mà thiên nhiên đã ưu ái ban tặng cho vùng đất Thanh Miện, tỉnh Hải Dương, nơi trú ngụ của hàng vạn chú cò, vạc, chim nước quần tụ giữa không gian xanh mát. Trong những năm gần đây, đảo Cò Chi Lăng Nam đã trở thành điểm đến thú vị để du khách chiêm ngưỡng và trải nghiệm.
Đến với khu du lịch sinh thái đảo Cò Chi Lăng Nam, du khách có dịp thưởng ngoạn đắm mình trong không gian thiên nhiên thoáng đãng, thanh bình, thỏa sức ngắm nhìn những cánh cò, cánh vạc chao liệng trên không trung…
Khu sinh thái đảo Cò Chi Lăng Nam có diện tích 31,673 ha, là “ngôi nhà chung” của nhiều loài cò, vạc, chim nước quý. Hiện nay, ở đảo cò Chi Lăng Nam có khoảng 16.000 con cò và 6.000 con vạc sinh sống. Đây là nơi cư trú của 6 loài cò khác nhau như: Cò trắng, cò lửa, cò bợ, cò ghềnh, cò diệc và cò ruồi, trong đó đông nhất là cò ruồi. Bên cạnh đó, đảo Cò còn là nơi trú ngụ của loài vạc xám, vạc lưng xanh, vạc sao, cùng nhiều loài chim quý hiếm, có nguy cơ tuyệt chủng như: Diệc xám, chim trả, bói cá, bồng chanh, cuốc, cú mèo... Sự đa dạng phong phú của của các loài chim, cò và thuỷ sản đã tạo ra một hệ sinh thái độc đáo, hấp dẫn. Chính vì vậy, từ lâu, nơi đây đã trở thành điểm tham quan, học tập và nghiên cứu thú vị của nhiều trường học trong vùng.
Ảnh: Chiều về trên Đảo cò Chi Lăng Nam
Sáng sớm và chiều tối trên đảo Cò Chi Lăng Nam, du khách được chứng kiến một bức tranh thiên nhiên cực đẹp với hàng trăm đàn cò, đàn vạc bay đi, bay về phủ kín cả khoảng không mặt hồ. Ngồi trên thuyền bồng bềnh giữa sóng nước mặt hồ, du khách có thể thả mình vào không gian hữu tình của sông nước và cảm nhận âm thanh của giàn đồng ca, lúc trầm lúc bổng của các loại chim gọi nhau đi kiếm ăn buổi sáng hay ríu rít gọi nhau về tổ mỗi khi chiều buông xuống. Nếu từng đàn cò đi kiếm ăn vào buổi sớm, bay kín cả mặt hồ và hòn đảo thì đàn vạc nâu lại lặng lẽ kiếm ăn vào lúc ban tối, cất tiếng kêu thỏ thẻ trong đêm khuya thanh vắng tạo nên những bản hòa tấu nhịp nhàng phát ra từ những lùm cây.
Đến với đảo Cò Chi Lăng Nam, ngoài việc tận mắt chứng kiến hàng ngàn, hàng vạn chú cò, vạc, với nhiều loài quý hiếm khác nhau, du khách còn được đắm mình trong cảnh sắc thiên nhiên kỳ diệu. Không chỉ hít hà không khí trong lành căng lồng ngực mà du khách còn được khám phá, trải nghiệm thú vị với những khoảnh khắc đáng nhớ cùng thiên nhiên thoáng đãng và rất đỗi bình yên.
Nguồn: Báo Công Thương
IV. MỘT SỐ VĂN BẢN MỚI
1. Văn bản của Trung ương (Theo tài liệu sinh hoạt chi bộ của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Hải Dương)
2. Văn bản của tỉnh (Theo tài liệu sinh hoạt chi bộ của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Hải Dương)
3. Văn bản của huyện
3.1. Kế hoạch số 89-KH/HU, ngày 16/9/2022 thực hiện Kết luận số 34-KL/TW, ngày 18/4/2022 của Bộ Chính trị về Chiến lược công tác kiểm tra, giám sát của Đảng đến năm 2030
- Thực hiện Kế hoạch số 99-KH/TU, ngày 10/8/2022 của Tỉnh ủy Hải Dương; Ban Thường vụ Huyện ủy xây dựng, ban hành Kế hoạch thực hiện Kết luận số 34-KL/TW, ngày 18/4/2022 của Bộ Chính trị nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm, quyết tâm chính trị của các cấp ủy, tổ chức đảng, ủy ban kiểm tra các cấp và cán bộ, đảng viên trong Đảng bộ huyện về công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng. Tạo sự thống nhất trong nhận thức, hành động của các cấp ủy, tổ chức đảng, ủy ban kiểm tra các cấp và cán bộ, đảng viên trong Đảng bộ huyện nhằm hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra trong Kết luận số 34-KL/TW của Bộ Chính trị.
- Việc tổ chức thực hiện Kết luận số 34-KL/TW của Bộ Chính trị phải đúng mục tiêu, quan điểm, nhiệm vụ và giải pháp đã đề ra; phù hợp và bám sát thực tiễn tại địa phương, đơn vị; đổi mới mạnh mẽ công tác kiểm tra, giám sát của Đảng.
- Nội dung của kế hoạch
+ Chỉ đạo việc tổ chức nghiên cứu, quán triệt Kết luận số 34-KL/TW của Bộ Chính trị, Kế hoạch số 99-KH/TU của Tỉnh ủy và triển khai thực hiện Kế hoạch này tại địa phương, tổ chức, cơ quan, đơn vị; thời gian hoàn thành: Trong Quý III năm 2022. Ban hành đầy đủ, kịp thời các nghị quyết, chỉ thị, quy định, quy chế ... về công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng; thời gian hoàn thành: Trong Quý IV năm 2022. Cấp ủy, nhất là người đứng đầu cấp ủy xây dựng kế hoạch thường xuyên làm việc với ủy ban kiểm tra cùng cấp để kịp thời chỉ đạo, định hướng công tác kiểm tra, giám sát của ủy ban kiểm tra. Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy chỉ đạo, hướng dẫn cấp ủy, tổ chức đảng và ủy ban kiểm tra cấp dưới trong kiểm tra, giám sát và xử lý các vụ việc nghiêm trọng, phức tạp, dễ xảy ra vi phạm, các vụ việc về tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, “lợi ích nhóm”; thời gian thực hiện: Trong Quý IV năm 2022.
+ Thực hiện kiểm tra, giám sát theo phương châm “giám sát phải mở rộng”, “kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm”, tập trung vào việc lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng; các lĩnh vực nhạy cảm, dễ phát sinh vi phạm, nội bộ mất đoàn kết, dư luận xã hội quan tâm; việc thực hành tiết kiệm, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí; kê khai tài sản, thu nhập ... Tăng cường kiểm tra công tác xây dựng pháp luật gắn với trách nhiệm của người đứng đầu để phòng, chống vi phạm trong việc ban hành văn bản pháp luật, lồng ghép “lợi ích nhóm”, lợi ích cục bộ. Thời gian thực hiện: Từ năm 2022.
+ Chủ động kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm, tập trung vào những lĩnh vực, địa bàn, vị trí công tác dễ xảy ra tham nhũng, tiêu cực, nhất là dấu hiệu suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những vấn đề nổi cộm, gây bức xúc trong xã hội. Xử lý kỷ luật nghiêm minh, kịp thời, đồng bộ các tổ chức đảng, đảng viên vi phạm. Thời gian thực hiện: Từ năm 2022.
+ Thực hiện luân chuyển cán bộ kiểm tra sang công tác ở các ngành, lĩnh vực khác và luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý các ngành, lĩnh vực khác về làm công tác kiểm tra, giám sát của Đảng gắn với các nghị quyết, chỉ thị, quy định của Đảng về công tác cán bộ. Thời gian thực hiện: Từ năm 2022.
3.2. Quyết định số 288-QĐ/HU, ngày 07/9/2022 của Ban Thường vụ Huyện ủy về ban hành Quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị huyện Thanh Miện
Quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị huyện Thanh Miện gồm 4 chương, 26 điều, trong đó:
Chương 1: Quy định chung trách nhiệm, cơ chế, phương thức thực hiện công tác dân vận trong hệ thống chính trị huyện Thanh Miện. Các cấp uỷ, tổ chức đảng, người đứng đầu các ngành, cơ quan, đơn vị, các xã, thị trấn trong huyện lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức đối với công tác dân vận.
Chương 2: Trách nhiệm lãnh đạo và thực hiện công tác dân vận của các cơ quan đảng, cấp ủy và tổ chức đảng; các cơ quan nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội huyện; trong đó quy định trách nhiệm của các tổ chức cơ sở đảng.
- Trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ về công tác dân vận tại địa phương, đơn vị. Trong từng nhiệm kỳ có nghị quyết chuyên đề, hằng năm có chương trình công tác dân vận; lãnh đạo, chỉ đạo các tổ chức trong hệ thống chính trị ở địa phương, đơn vị phối hợp thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ công tác dân vận.
- Phối hợp với Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội huyện lãnh đạo, định hướng hoạt động của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội ở địa phương, đơn vị. Tạo điều kiện thuận lợi để Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội phát huy vai trò đại diện quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân và thực hiện tốt vai trò giám sát và phản biện xã hội theo quy định.
- Thực hiện chế độ giao ban định kỳ giữa Ban Thường vụ, Thường trực cấp ủy với khối Dân vận, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội về công tác dân vận; thường xuyên lắng nghe ý kiến của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội phản ánh về những vấn đề mà cán bộ, đoàn viên, hội viên, chiến sỹ lực lượng vũ trang và nhân dân quan tâm; chỉ đạo giải quyết kịp thời những vấn đề bức xúc trong nhân dân.
- Lãnh đạo, chỉ đạo người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị thực hiện nghiêm túc việc tiếp công dân, tiếp xúc đối thoại với nhân dân; giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của nhân dân, giải quyết các vấn đề phức tạp trên địa bàn theo đúng quy định của pháp luật.
- Kiện toàn tổ chức và xây dựng đội ngũ cán bộ chủ chốt của khối Dân vận, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội xã, thị trấn. Chỉ đạo chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội ở cơ sở xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có trình độ, kiến thức chuyên môn, có kỹ năng về công tác dân vận.
- Đối với đảng ủy xã, thị trấn phân công đồng chí Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy làm Trưởng khối dân vận; chỉ đạo chi bộ thôn, khu dân cư phân công đồng chí Bí thư hoặc Phó Bí thư chi bộ làm Tổ trưởng tổ dân vận thôn, khu dân cư.
Chương 3: Phương thức thực hiện công tác dân vận
Thể chế hóa, cụ thể hóa chủ trương, đường lối, nghị quyết, chỉ thị, quy định, quyết định, quy chế, kết luận của Đảng về công tác dân vận gắn với việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị; triển khai sâu rộng phong trào thi đua “Dân vận khéo”.
Chương 4: Điều khoản thi hành
IV. HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TƯ TƯỞNG, ĐẠO ĐỨC, PHONG CÁCH HỒ CHÍ MINH
1. Nội dung sinh hoạt tháng 10/2022
- Sinh hoạt chuyên đề tháng 10 năm 2022 với chủ đề: “Chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”.
* Thời gian học tập: Chi bộ dành thời gian 30 phút để học tập chuyên đề.
* Người chủ trì: Đồng chí bí thư chi bộ.
* Cách thức tổ chức học tập
Bước 1, công tác chuẩn bị: Chi ủy họp, bàn thống nhất nội dung học tập của tháng 9/2022, phân công chuẩn bị nội dung, tài liệu và điều hành phần học tập chuyên đề.
Bước 2, nội dung học tập chuyên đề
- Đánh giá việc học tập chuyên đề của chi bộ quý III/2022.
- Khái quát những nội dung cơ bản của Phần 2, từ trang 13 đến trang 27 (đến dòng 14 từ trên xuống) - Tài liệu dùng cho sinh hoạt chuyên đề qúy III, IV/2022).
- Đọc câu chuyện “Tôi là người Cộng sản như thế này này!”
- Giới thiệu, ghi sổ “Người tốt, việc tốt” (Giới thiệu tập thể, cá nhân tiêu biểu).
Bước 3, thống nhất việc làm theo
(Nội dung học tập tháng 11/2022: Phần 2: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam - Từ trang 27 đến trang 37 - tài liệu dùng cho sinh hoạt chuyên đề qúy III, IV/2022) )
2. Gương người tốt, việc tốt
Hội Cựu chiến binh xã Lê Hồng tích cực phủ xanh bãi rác
Phát huy phẩm chất bộ đội Cụ Hồ, Hội cựu chiến binh (CCB) xã Lê Hồng luôn đi đầu trong các phong trào xây dựng quê hương.
Từ đầu năm 2020 đến nay Hội CCB xã Lê Hồng đã đảm nhận việc trồng cây phủ xanh bãi rác tập trung của xã. Trong năm 2020 các hội viên Hội CCB xã Lê Hồng đã tổ chức 02 đợt trồng gần 3.000 cây keo quanh 2 bãi rác tập trung tại thôn Hoành Bồ và thôn Chỉ Trung. Hưởng ứng việc làm của CCB, người dân Lê Hồng cũng mang cây giống ra trồng ở các bãi rác. Vườn cây xanh tốt đã giúp cải thiện rõ rệt tình trạng ô nhiễm môi trường khu vực, đồng thời thúc đẩy phong trào bảo vệ môi trường "Vì làng quê xanh - sạch - đẹp" trong cộng đồng.
Những năm trước đây, hưởng ứng phong trào xây dựng nông thôn mới, NTM nâng cao nhiều hội viên và gia đình CCB, cựu quân nhân đã gương mẫu hiến đất làm đường giao thông nông thôn, góp phần đẩy nhanh tiến độ hoàn thành tiêu chí đường giao thông của địa phương. Ngoài ra, Hội còn tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương và phối hợp chặt chẽ với các tổ chức, đoàn thể triển khai xây dựng nhiều mô hình về phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội, vệ sinh môi trường… góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn. Để có được những tuyến đường tự quản đẹp mắt như hôm nay, Hội CCB xã làm tốt công tác tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên với tiêu chí bảo đảm vệ sinh môi trường nhằm góp phần thay đổi diện mạo của những tuyến đường trên địa bàn xã. Trong những năm qua, cán bộ, hội viên CCB và Nhân dân trong xã đã làm tốt việc đảm nhiệm các tuyến đường tự quản, đóng góp hàng ngàn ngày công lao động xây dựng các tuyến đườ̀ng giao thông nông thôn.
Ảnh: Hội viên Cựu chiến binh xã Lê Hồng chăm sóc hàng cây bao quanh bãi rác.
Không ngại khó, không ngại khổ, anh dũng trong chiến đấu, trở về cuộc sống thường ngày, các CCB xã Lê Hồng lại phát huy phẩm chất Bộ đội cụ Hồ, đóng góp công sức, trí tuệ xây dựng quê hương. Việc làm của các CCB để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng mỗi người dân là tấm gương sáng trong giáo dục truyền thống Cách mạng trên quê hương Lê Hồng.
Chịu trách nhiệm nội dung
Đồng chí NGUYỄN THẾ TÀI - Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy
Ban biên tập
Đồng chí MAI ĐỨC THÀNH - Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy, Trưởng ban Tuyên giáo, Giám đốc Trung tâm Chính trị huyện - Trưởng ban
Đồng chí LÊ TUẤN HẢI - HUV, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Huyện ủy - Phó trưởng ban
Đồng chí LÊ NGỌC HÂN - HUV, Chánh Văn phòng Huyện ủy
Đồng chí ĐỖ VĂN TẢO - HUV, Chánh Văn phòng HĐND-UBND huyện
Đồng chí AN ĐĂNG SÁNG - HUV, Trưởng phòng Tư pháp huyện