Trước diễn biến phức tạp của tình hình dịch bệnh trên đàn GSGC, để đảm bảo chăn nuôi phát triển an toàn, bền vững, huyện đã tổ chức triển khai tốt các đợt tiêm vắc xin phòng bệnh. Đồng thời, chỉ đạo đẩy mạnh công tác kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y, vận chuyển, mua bán động vật, sản phẩm động vật để xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm nhằm cung cấp nguồn thực phẩm an toàn, đảm bảo vệ sinh thú y cho người tiêu dùng và chủ động phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm trên địa bàn huyện. Tổ chức vệ sinh tiêu độc, khử trùng, tuyên truyền vận động các cơ sở chăn nuôi gia súc, gia cầm tập trung phát quang cây cỏ xung quanh chuồng nuôi, quét dọn thu gom phân rác để đốt hoặc chôn, khơi thông cống rãnh, giảm thiểu lượng khách ra, vào tham quan trại; thường xuyên kiểm tra tiến hành thực hiện tiêu độc toàn bộ chuồng trại, khu vực chăn nuôi và vùng phụ cận. Chỉ đạo Ban Chăn nuôi Thú y các xã, thị trấn hướng dẫn các hộ gia đình, khuyến cáo bà con cần thực hiện quét dọn sạch sẽ khu vực nuôi nhốt gia súc, gia cầm bao gồm cả nơi chăn thả; thu gom phân rác, cọ rửa vệ sinh kỹ lưỡng về mặt chuồng trại. Qua đây, công tác vệ sinh tiêu độc chủ động và tiêm vắc xin phòng chống dịch bệnh trên gia súc gia cầm đã được các hộ chăn nuôi luôn ý thức thực hiện.
Hiện nay các hộ chăn nuôi trong huyện đang nỗ lực để tái đàn nhằm phục vụ nhu cầu thực phẩm trong dịp tết nguyên đán sắp tới (Ảnh minh họa)
Gia trại chăn nuôi tổng hợp của gia đình ông Nguyễn Công Vở, ở thôn Đào Lâm, xã Đoàn Tùng thường xuyên nuôi trên 1000 con GSGC, trong đó chủ yếu là nuôi lợn. Tuy nhiên, từ khi dịch tả lợn châu Phi bùng phát, với tác động của dịch bệnh covid-19 nên gia đình ông Vở đã giảm số lượng lợn nuôi, tăng đàn vịt đẻ lên 3.000 con. Cách đây 2 tuần, ông đã nhập về 60 con lợn giống để nuôi lấy thịt. Giáp Tết là thời điểm quan trọng của người chăn nuôi, nên ông bà đặc biệt quan tâm đến công tác phòng dịch, chăm sóc đàn vật nuôi của gia đình. Ông Vở cho biết: “Thời điểm này, những người chăn nuôi như chúng tôi rất e ngại tái đàn, nhập đàn gia súc, gia cầm. Tuy nhiên, vụ tết nguyên đán đang đến gần, nên gia đình tôi quyết định đầu tư nhập trên 60 con lợn con về nuôi lấy thịt. Hy vọng mọi chuyện thuận lợi, vừa để phục vụ nhu cầu của thị trường và tăng thu nhập cho gia đình.”
Tuy giá gia súc gia cầm đang tăng và có chiều hướng giữ giá ổn định từ nay cho tới tết. Nhưng do giá con giống đầu vào, giá cám chăn nuôi và các vật tư khác đều tăng. Bên cạnh đó, diễn biến thời tiết cuối năm thất thường, nhiều đợt rét đậm, rét hại có thể kéo dài, ảnh hưởng tới hệ miễn dịch của vật nuôi, đã có tác động xấu, đòi hỏi người chăn nuôi phải có sự đầu tư cả về vật chất và công sức. Nên ngoài tiêm phòng đầy đủ, nhiều hộ chăn nuôi còn chủ động bổ sung thêm một số loại vitamin để tăng sức đề kháng cho đàn vật nuôi. Đồng thời chủ động giữ ấm cho đàn vật nuôi trong các đợt rét, đảm bảo vật nuôi phát triển, kịp thời phục vụ nhu cầu thực phẩm tết Nguyên đán 2022. Bên cạnh đó, trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện cũng đã triển khai nhiều biện pháp tuyên truyền, hướng dẫn bà con chăn nuôi về cách phòng bệnh và giữ ấm cho đàn vật nuôi, đảm bảo nguồn hàng cung ứng trong dịp tết Nguyên đán Nhâm Dần sắp tới. Để đảm bảo đàn vật nuôi ổn định từ nay tới tết nguyên đán, người chăn nuôi cần tuân thủ hướng dẫn của cơ quan chức năng trong việc chăm sóc và phòng bệnh cho đàn vật nuôi. Đồng thời, tuân thủ thời gian dừng cám tăng trọng trước khi tiêu thụ, để cung ứng những sản phẩm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cho nhân dân trong những ngày vui tết, đón xuân.
Hải Yến