
Năm 1943 tình hình kinh tế, chính trị, tư tưởng, văn hóa - xã hội ở Việt Nam vô cùng phức tạp, mâu thuẫn giai cấp và dân tộc ngày càng sâu sắc. Nhân dân ta nói chung, giới trí thức, văn nghệ sĩ, học sinh, sinh viên yêu nước nói riêng đã đứng lên đấu tranh chống lại phát xít Nhật và thực dân Pháp, đòi lại quyền tự do, độc lập cho dân tộc. Tuy nhiên, Nhật và Pháp đã cấu kết với bè lũ tay sai, dùng các thủ đoạn dã man, tàn ác, kể cả thủ đoạn “trói buộc vǎn hoá và giết chết vǎn hoá Việt Nam” để thực hiện mưu đồ xâm lược của chúng. Trong bối cảnh ấy, Đảng và Bác Hồ kính yêu đã quyết định triệu tập Hội nghị Thường vụ Trung ương Đảng từ ngày 25 đến 28/2/1943 để bàn biện pháp đối phó với tình hình, quyết tâm đẩy mạnh phong trào đấu tranh cách mạng trong cả nước, tiến tới chặn đứng và đập tan âm mưu, thủ đoạn xâm lược của phát xít Nhật và thực dân Pháp. Đảng ta nhận định, trong lúc này, Đảng cần phải có các tổ chức và đội ngũ cán bộ chuyên môn hoạt động về văn hoá, văn nghệ để gây dựng và thúc đẩy phong trào văn hoá tiến bộ, văn hoá cứu quốc nhằm chống lại văn hóa phong kiến bảo thủ, lạc hậu... Vì vậy, tại Hội nghị Thường vụ Trung ương, Đảng ta khẳng định rõ đối với vấn đề vǎn hoá và được ghi trong Đề cương văn hóa Việt Nam công bố năm 1943.
Đề cương văn hóa Việt Nam ra đời đã đáp ứng yêu cầu của lịch sử, được xem như là cương lĩnh đầu tiên về văn hóa của Đảng, chỉ với 1.500 chữ, ngắn gọn, xúc tích nhưng đã minh chứng cho tầm nhìn chiến lược của Đảng, tạo nên một bước ngoặt lịch sử. Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943 gồm 5 phần với nội dung thể hiện các quan điểm chỉ đạo, mục tiêu, phương châm, nguyên tắc của nền văn hóa dân tộc. Từ ngày thành lập đến nay, Đảng ta luôn coi trọng vai trò của văn hóa và hết sức quan tâm đến công tác xây dựng văn hóa trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước, nhất là trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩ xã hội. Nhận thức của Đảng về văn hóa ngày càng toàn diện, đầy đủ và sâu sắc hơn. Đảng đã xác định: Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu vừa là sức mạnh nội sinh, động lực quan trọng để phát triển đất nước; xác định phát triển văn hóa đồng bộ, hài hòa với tăng trưởng kinh tế, và tiến bộ xã hội là 1 định hướng căn bản của quá trình xây dựng chủ nghĩ xã hội ở Việt Nam, thể hiện tính ưu việt của chế độ ta. Trải qua thời gian, ba nguyên tắc phát triển văn hóa trong Đề cương, đó là: “Dân tộc hóa, Khoa học hóa và Đại chúng hóa” đã luôn chứng minh tính đúng đắn, định hướng cho sự phát triển văn hóa.
Trải qua 80 năm, cho đến ngày hôm nay, chúng ta chứng kiến đời sống xã hội đã trải qua rất nhiều thay đổi, thăng trầm nhưng trong bất kỳ giai đoạn nào, bối cảnh nào thì Đề cương văn hóa Việt Nam năm 1943 vẫn còn nguyên giá trị lý luận và thực tiễn, tiếp tục soi đường cho quốc dân đ trong công cuộc xây dựng và phát triển một nước Việt Nam: hòa bình, độc lập, thống nhất, dân chủ và giàu mạnh. Kỷ niệm 80 năm ngày ra đời Đề cương văn hóa Việt Nam là dịp để chúng ta ôn lại và nhìn thấy rõ hơn những giá trị soi đường, tác dụng định hướng của Đề cương; qua đó nhận thức đúng hơn nghĩa vụ và trách nhiệm công dân đối với sự nghiệp xây dựng, phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc trong giai đoạn mới. Chúng ta đang đứng trước những thời cơ, vận hội lớn, song cũng đang đối mặt với những khó khăn, thách thức mà toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế và nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đặt ra cần phải giải quyết.. Để xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam, chúng ta cần tiếp tục nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của văn hóa, văn nghệ cách mạng; coi sự nghiệp phát triển văn hóa, văn nghệ là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân; đầu tư cho văn hóa, văn nghệ là đầu tư cho con người và cho phát triển kinh tế - xã hội bền vững; Chúng ta cần phải thực hiện tốt các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước về văn hóa, đặc biệt là quan điểm Đại hội lần thứ XIII của Đảng về xây dựng và phát huy hệ giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam và chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị văn hóa toàn quốc ngày 24/11/2021 nhằm góp phần vun đắp nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, giàu bản sắc, tạo sức mạnh, nguồn lực nội sinh để xây dựng nước Việt Nam phồn vinh và hạnh phúc.
Hoàng Nết