Sau nhiều năm gắn bó với cây bắp cải và thu được giá trị, hiệu quả cao, năm nay gia đình chị Phạm Thị Huyền tiếp tục trồng 40 mẫu bắp cải. Hiện tại, bắp cải của gia đình anh chị đang trong thời gian thu hoạch. Để đáp ứng kịp thời đơn hàng của thương lái, từ cuối tháng 2 đến nay, gia đình chị thuê 20 lao động chặt bắp, đóng hàng với sản lượng ước đạt 600 tấn. Đến nay, gia đình đã thu hoạch được ½ diện tích với giá bán từ 3.000-4.000/kg. Chị Huyền cho biết: thời điểm gia đình thực hiện trồng từ giữa tháng 11 của năm trước, đến tháng 2 năm sau. Lý do anh chị chọn trồng bắp sau 2 vụ lúa là bắp có thời gian thu hoạch khá dài, gia đình có lợi thế về máy móc nên ít nhiều đã giảm được chi phí sản xuất. Tuy nhiên trồng bắp cũng có những khó khăn, do trồng ngoài trời nên phụ thuộc lớn vào thời tiết, sâu bệnh gây hại. Như năm nay, thời tiết ít mưa, bắp sinh trưởng phát triển kém, sâu bệnh cũng khá nhiều. Do trồng với diện tích lớn, mỗi vụ gia đình anh chị chi phí khoảng 1,2 tỷ đồng cho việc mua hạt giống, thuê người trồng, chăm sóc, phòng trừ dịch hại và công đoạn thu hoạch bắp. Gia đình chị Huyền bắt đầu đưa cây bắp cải vào trồng từ năm 2017, cũng có kinh nghiệm nên từ việc lựa chọn hạt giống, vật tư đến đầu ra cho sản phẩm đều do anh chị chủ động thực hiện. Với giá bán như hiện tại, vụ bắp cải năm nay anh chị xuất bán được khoảng 2 tỷ đồng, sau khi trừ chi phí, lợi nhuận thu về chỉ được 100-200 triệu đồng. Trong khi có năm, được mùa, được giá, anh chị thu lợi từ việc trồng bắp lên tới hàng tỷ đồng. Hiện tại ngoài trồng bắp, gia đình chị Huyền, anh Ái còn cấy 150 mẫu lúa.

Ảnh: chị Phạm Thị Huyền với diện tích ruộng trồng rau bắp cải
Trước đó, nhiều diện tích ở thôn Tiêu Lâm, xã Ngũ Hùng bị bỏ hoang do người dân không còn mặn mà với trồng lúa vì hiệu quả kinh tế thấp. Trước tình trạng này, gia đình chị thuê lại để canh tác. Năm 2013, anh thuê 20 mẫu ruộng của bà con trong thôn để cấy lúa. Sau khi cải tạo lại đất, anh chị gieo cấy toàn bộ bằng giống lúa Q5 (giống lúa cho năng suất cao, thích nghi với nhiều chất đất). Đến năm 2019, anh chị mượn 160 mẫu ruộng của hàng trăm hộ ở 2 thôn là Tiêu Lâm và La Ngoại của xã Ngũ Hùng để sản xuất lúa tập trung. Mới đầu ruộng nằm rải rác, sau đã chuyển đổi được về thành từng khu lớn hơn. Những ruộng ngập cỏ, thùng vũng, đan xen được anh chị tiến hành san gạt, tạo thửa, dùng phân ủ cải tạo đất.
Để chủ động trong sản xuất, anh chị đã đầu tư kinh phí hàng chục tỷ đồng để mua sắm 3 chiếc máy cày, 2 máy gặt, 2 máy xúc. Sản xuất lúa với diện tích lớn, bên cạnh những thuận lợi, nếu gặp thời tiết xấu như mưa bão, nhất là thời điểm thu hoạch, sẽ gây khó khăn, thiệt hại lớn về kinh tế cho gia đình, khiến anh chị vô cùng bất an, lo lắng. Tuy nhiên được sự cho phép của chính quyền huyện, năm 2020 gia đình chị Huyền đã hoàn thiện xây dựng nhà sấy nông sản với diện tích hàng nghìn m2, đáp ứng được yêu cầu sấy, trữ thóc của gia đình, ngoài ra anh chị còn tiến hành thu mua thóc của bà con nông dân thuộc nhiều xã trong và ngoài huyện.
Một vài năm trước đây, gia đình chị Huyền được nhận hỗ trợ của UBND Tỉnh theo Đề án “Phát triển sản xuất hàng hóa tập trung, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững giai đoạn 2016-2020”, và sự quan tâm của UBND huyện cùng các phòng, ban, cơ quan chuyên môn của huyện trong việc chuyển giao khoa học kỹ thuật, chăm sóc lúa, cây trồng, phòng trừ dịch hại. Cùng với sự chủ động, nỗ lực của chính mình, gia đình chị Huyền mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm, hỗ trợ hơn nữa của các cấp, các ngành. Sự quan tâm hỗ trợ động viên kịp thời của chính quyền các cấp là động lực quan trọng giúp anh chị thành công hơn nữa với mô hình sản xuất tập trung.
Từ những thửa ruộng chiêm trũng bị bỏ hoang, bằng sự nỗ lực, quyết tâm của mình, vợ chồng chị Phạm Thị Huyền ở thôn Tiêu Lâm, xã Ngũ Hùng đã thành công trong việc canh tác trên cánh đồng mẫu lớn; không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế, thu nhập cao cho gia đình, mà thông qua mô hình còn góp phần làm thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp của người nông dân theo hướng hàng hoá, tập trung và hiện đại.
Hoàng Nết