Lễ Vu Lan xuất phát từ sự tích Bồ tát Mục Kiền Liên đại hiếu đã cứu mẹ mình ra khỏi kiếp ngạ quỷ, tức là quỷ đói. Qua hàng nghìn năm, Vu Lan báo hiếu luôn là một trong những ngày lễ có sức sống văn hóa mãnh liệt nhất trong đời sống tinh thần của mỗi người dân Việt Nam. Vu Lan trở thành ngày lễ hằng năm để tưởng nhớ công ơn cha mẹ và tổ tiên nói chung, nhắc nhở mỗi người biết trân trọng những gì mình đang có, nhắc nhở bổn phận làm con phải luôn nhớ đến công ơn sinh dưỡng của cha mẹ mà làm những việc hiếu nghĩa để thể hiện tình cảm, lòng biết ơn. Ngày nay, lễ Vu Lan không đơn thuần chỉ có ý nghĩa tôn giáo thiêng liêng mà đã trở thành một lễ hội văn hóa tinh thần chung của xã hội, mang đến thông điệp về lòng biết ơn và đền ơn như một biểu hiện và cư xử văn hóa đáng được con người lưu tâm, thực hiện. Ngoài ra, lễ Vu Lan ở Việt Nam còn có nghi thức cài hoa hồng lên ngực áo. Ai vẫn còn cha mẹ thì cài hoa hồng đỏ, ai đã mất mẹ cài hoa hồng trắng. Đây là một nét đẹp đã góp phần gìn giữ và phát huy giá trị, tinh thần trọng hiếu của người dân Việt Nam. Hoạt động phổ biến nhất trong ngày lễ Vu Lan chính là đến chùa cầu kinh với mong muốn những người đã khuất và chúng sinh được yên nghỉ, còn những người đang sống có sức khoẻ, hạnh phúc. Ngoài ra, mọi gia đình đều chuẩn bị mâm cơm cúng gia tiên, cúng phóng sinh cho các linh hồn để báo hiếu và tỏ lòng thành. Còn theo Đạo Phật, vào ngày này, các phật tử thường làm lễ cúng dường, lễ cầu siêu, làm phúc bố thí, phóng sinh để tích đức, cầu mong cho cha mẹ được tăng phúc, tăng thọ, hoá giải nghiệp chướng…Tuy nhiên, trước tình hình dịch bệnh covid-19 có diễn biến khó lường, đây là năm thứ 2 liên tiếp, lễ vu lan trở nên đặc biệt hơn so với mọi năm. Người dân đã nâng cao ý thức và tuân thủ các biện pháp phòng dịch. Mọi người đều mong muốn 1 mùa vu Lan báo hiếu an toàn và ý nghĩa.
Lễ Vu lan là dịp để con cháu tỏ lòng báo hiếu với ông bà, cha mẹ, nhất là những người đã khuất
Và vì thế, dù cứ mỗi dịp Rằm tháng Bảy, Lễ Vu Lan về, nhà nhà lại cùng nhau hướng về việc báo hiếu với ông bà, cha mẹ, nhất là những người đã khuất. Ai cũng mong muốn sắm sửa đồ lễ để thể hiện tấm lòng của mình đối với công ơn tổ tiên. Tuy nhiên, yêu cầu giãn cách xã hội khiến chúng ta cần cẩn trọng hơn đối với những hoạt động tụ tập đám đông, chính vì thế, Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã khuyến cáo tăng ni các chùa, cơ sở tự viện vận dụng sáng tạo các hình thức tổ chức, vừa đảm bảo an toàn trong phòng, chống dịch bệnh, vừa đáp ứng nhu cầu phục vụ tín ngưỡng tâm linh cho nhân dân, đồng bào phật tử trong mùa tri ân, báo hiếu. Theo đó, trong khi các cấp chính quyền cũng như người dân đã và đang thực hiện nghiêm công tác phòng dịch, thì các cơ sở thờ tự trên địa bàn huyện cũng chấp hành rất tốt. Nhiều chùa đang coi công tác phòng, chống dịch là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu hiện nay để dịch bệnh không bùng phát và lây lan trên địa bàn.
Báo hiếu là trách nhiệm đạo đức của mỗi người. Không chỉ báo hiếu với tổ tiên, cách báo hiếu của mỗi cá nhân cần thể hiện trách nhiệm đối với xã hội. Trong bối cảnh dịch bệnh như hiện nay, yêu cầu về các biện pháp phòng dịch, để vừa bảo đảm sự thành kính tri ân tổ tiên, vừa giúp xã hội bình an đi qua cơn bão dịch bệnh nguy hiểm đặt ra yêu cầu mỗi người dân cần phải tự nâng cao ý thức, trách nhiệm trong ngày Lễ Vu Lan. Đó cũng chính là một việc thiện theo đúng tinh thần khuyến giáo của đạo Phật. Ngoài ra, với những người còn bố mẹ, hãy dành tặng những lời chúc, những món quà ý nghĩa, cầu mong cha mẹ luôn khỏe mạnh. Đó chính là hành động ý nghĩa và thiết thực nhất trong ngày Lễ Vu Lan năm nay.
Hải Yến