VĂN HÓA-XÃ HỘI
Báo hiếu thế nào cho đúng trong dịp lễ Vu lan
19/08/2021 03:38:22

Tháng 7 âm lịch hằng năm là tháng Vu lan báo hiếu, lễ hội văn hóa không riêng của phật tử mà của nhân dân nhằm tri ân, báo ân, báo hiếu cửu huyền thất tổ, tri ân anh linh các anh hùng liệt sĩ. Đây là sự kết hợp giữa văn hóa Phật giáo với truyền thống tri ân, báo ân của dân tộc Việt Nam.

Nguồn gốc của ngày lễ Vu Lan xuất phát từ Đạo Phật với đầy tính nhân văn, thể hiện cái tâm trong sáng, hướng thiện, lối sống vị tha, hiếu thuận với cha mẹ, ông bà, biết chăm lo cho những người xung quanh…chứ không phải thể hiện ở mâm cao cỗ đầy, đốt nhiều vàng mã. Trong đó, việc báo hiếu với cha mẹ, ông bà quan trọng nhất là thể hiện khi họ còn sống, phải biết chăm lo, phụng dưỡng bố mẹ cả về vật chất và tinh thần. Lễ Vu Lan cũng còn là dịp để con cháu trong gia đình tưởng nhớ tới những người đã khuất nhằm phát huy truyền thống tốt đẹp uống nước nhớ nguồn, đền ơn đáp nghĩa, ăn quả nhớ người trồng cây của dân tộc Việt Nam. Thế nhưng hiện nay ở nhiều gia đình cũng như nhiều nơi cho rằng đây là tháng cô hồn, tháng của ma quỷ, không đem lại may mắn, đồng thời để báo hiếu cha mẹ, ông bà, tổ tiên họ đua nhau cung tiến tiền vàng, vật dụng vào chùa, sắm sửa thật nhiều vàng mã và đốt tràn lan với niềm tin rằng thế mới là hành động báo hiếu tổ tiên, cúng thí cô hồn. Theo lời Phật dạy, việc báo hiếu của mỗi người có những cách khác nhau. Riêng các Phật tử thường làm lễ cúng dường, cầu siêu, làm phúc bố thí, phóng sinh để tích phúc cầu an, cầu mong cho cha mẹ được tăng phúc tăng thọ, hóa giải nghiệp chướng… Có người dịp này lại dành nhiều sự quan tâm, giúp đỡ đến cha mẹ, những người thân quen, cộng đồng. Tuy nhiên, cùng với những nét đẹp văn hóa đó, ngày lễ Vu Lan đang bị yếu tố mê tín, phi Phật giáo tác động, đó là tục đốt vàng mã. Dịp này, không ít gia đình đua nhau sắm sửa lễ vật, vàng mã để cúng chúng sinh, nhà ít cũng đốt vài bộ quần áo, mấy xấp tiền vàng cho “người cõi âm” hết vài trăm ngàn, nhà nhiều, đốt cả ô tô, xe máy, nhà lầu, tốn đến tiền triệu. Mặc dù nhận thức được đốt vàng mã là tốn tiền của, là khói bụi, ảnh hưởng đến môi trường xung quanh song việc đốt vàng mã vẫn diễn ra phổ biến.

 
 

Lễ Vu Lan có nguồn gốc Phật giáo nhưng ngay trong giáo lý nhà Phật cũng không khuyên con người đốt vàng mã trong dịp này để báo hiếu, thể hiện lòng biết ơn công sinh thành, dưỡng dục của cha mẹ. Việc đốt nhiều vàng mã sẽ gây tốn kém và ảnh hưởng xấu đến môi trường. Bởi vậy, Giáo hội Phật giáo Việt Nam kêu gọi việc thực hành tiết kiệm trong việc sử dụng vàng mã cũng như tổ chức các hoạt động dịp Rằm tháng Bảy. Với tinh thần Phật giáo Việt Nam đồng hành cùng dân tộc, điều cốt lõi trong dịp Vu Lan là cần có cái tâm trong sáng, hướng thiện, lối sống vị tha, biết chăm lo cho những người xung quanh. Nếu không làm việc thiện, sống không có tâm thiện thì dù có làm mâm cao cỗ đầy hay đốt nhiều tiền vàng đến đâu cũng vô ích, không phải là chí hiếu.

Hoàng Nết.

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HUYỆN THANH MIỆN

Trưởng Ban Biên tập: Ông Khổng Quốc Toản-Phó chủ tịch  UBND huyện Thanh Miện

Địa chỉ: Đường Nguyễn Lương Bằng, thị trấn Thanh Miện, huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương

Điện thoại: 0220 3 736562 - Fax:0220 3 736562

Email: ubnd.thanhmien@haiduong.gov.vn

Số lượt truy cập
Đang truy cập: 18
Hôm nay: 29
Tháng này: 16,937
Tất cả: 189,803