Một số vụ cháy đã được lực lượng PCCC tại chỗ triển khai xử lý, chữa cháy ban đầu đạt hiệu quả cao, không để cháy lan, cháy lớn. Tuy vậy, tại các chợ và nhiều cơ sở sản xuất, hộ gia đình, nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh... vẫn còn tiềm ẩn nguy cơ cháy, nổ cao; hạ tầng giao thông, nguồn nước nhiều nơi chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn cho công tác PCCC; phương tiện phục vụ chữa cháy, CNCH của lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH, lực lượng PCCC cơ sở và lực lượng chữa cháy tại chỗ còn thiếu, dẫn đến khi có cháy lớn xảy ra việc tổ chức chữa cháy và CNCH gặp nhiều khó khăn.
Để chủ động làm tốt công tác PCCC và CNCH, trang bị phương tiện cần thiết đáp ứng yêu cầu công tác chữa cháy và CNCH, các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và các địa phương cần làm tốt hơn nữa công tác chủ động PCCC và CNCH; nêu cao tinh thần trách nhiệm, xác định đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên, cần thiết, hàng ngày. Trong công tác PCCC phải lấy phòng ngừa là chính, làm tốt công tác phòng cháy theo phương châm 4 tại chỗ để giảm công tác chữa cháy. Khi xảy ra cháy phải kịp thời huy động tối đa các lực lượng tại chỗ và Nhân dân tham gia chữa cháy. Các đơn vị, địa phương cũng phải bố trí kinh phí mua sắm, trang bị phương tiện chữa cháy và CNCH cho đội PCCC cơ sở. Huy động và sử dụng các nguồn lực xã hội hóa từ các cơ quan, tổ chức, cá nhân để mua sắm, trang bị phương tiện PCCC. Mỗi hộ gia đình cũng cần chủ động trang bị tối thiểu 1 bình chữa cháy, 1 dụng cụ phá dỡ thô sơ bảo đảm khi có sự cố cháy, nổ xảy ra trong khu dân cư, hộ gia đình có phương tiện để chữa cháy ngay từ khi đám cháy mới phát sinh. Các cơ quan chức năng cần tăng cường công tác kiểm tra, hướng dẫn hộ gia đình và các cơ sở sản xuất, kinh doanh có các biện pháp đảm bảo an toàn PCCC và CNCH, kiên quyết xử lý nghiêm đối với các trường hợp có vi phạm theo đúng quy định của pháp luật.
Hoàng Nết