Thời gian qua, các cơ quan chức năng, cơ quan truyền thông thường xuyên thông báo phương thức, thủ đoạn hoạt động của các đối tượng sử dụng công nghệ cao để lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Tuy nhiên, tình hình vi phạm pháp luật có liên quan đến tội phạm sử dụng công nghệ cao trên địa bàn thời gian gần đây diễn biến phức tạp, có chiều hướng gia tăng, hoạt động phạm tội tinh vi, ngày càng đa dạng về phương thức, thủ đoạn.
Theo Cục An toàn thông tin, ghi nhận từ cổng cảnh báo an toàn thông tin VN (địa chỉ canhbao.khonggianmang.vn) năm 2022 có hơn 12.935 trường hợp lừa đảo trực tuyến, với 2 loại hình lừa đảo chính: lừa đảo để đánh cắp thông tin cá nhân (chiếm 24,4%) và lừa đảo tài chính (chiếm 75,6%). Việc lừa đảo đánh cắp thông tin cá nhân cũng là bước đệm để tiếp nối cho việc lên kịch bản thực hiện lừa đảo tài chính.
Để thực hiện các cuộc lừa đảo trực tuyến, đối tượng lừa đảo đã áp dụng nhiều biện pháp khác nhau nhằm tạo niềm tin, theo Cục An toàn thông tin có thể phân làm 3 nhóm chính: giả mạo thương hiệu chiếm 72,6% (giả mạo SMS, website, số điện thoại của cơ quan chức năng, ngân hàng, công ty tài chính…); chiếm đoạt tài khoản online (Facebook, Zalo...) chiếm 11,4%; các hình thức khác (việc làm online, lừa đảo tình cảm, app cho vay…) chiếm 16%.
Gần đây, nắm bắt được tâm lý người dùng mạng xã hội đã cảnh giác với thủ đoạn lừa đảo bằng nhắn tin nhờ chuyển tiền, các đối tượng đã sử dụng thủ đoạn tinh vi hơn, làm giả cuộc gọi video nhằm chiếm đoạt tài sản, cụ thể: thông qua mạng Internet, các đối tượng đã thu thập hình ảnh, giọng nói của người dùng trên mạng xã hội, sử dụng công nghệ Deepfake (công nghệ sử dụng trí tuệ nhân tạo) tạo ảnh động, video giả mạo người dùng đang nói chuyện trực tuyến cùng khuôn mặt, âm điệu giọng nói và cách xưng hô.
Đối tượng tạo lập tài khoản giả mạo trên mạng xã hội có trùng thông tin và ảnh đại diện với người dùng, kết bạn với nạn nhân trong danh sách bạn bè và nhắn tin vay mượn tiền theo kịch bản sẵn có (thường là những trường hợp cần tiền khẩn cấp, đánh vào lòng thương người của nạn nhân như: đi viện, trả nợ...). Để tạo lòng tin, đối tượng truyền tải Deepfake video sẵn có lên kênh video call để nạn nhân nhận ra hình ảnh và giọng nói của người quen, với âm thanh khó nghe và hình ảnh không rõ nét, giống cuộc gọi video có tín hiệu chập chờn, lấy lí do sóng di động/wifi yếu và nhanh chóng kết thúc cuộc gọi, sau đó yêu cầu nạn nhân chuyển tiền theo yêu cầu của các đối tượng.
Một thủ đoạn khác tương tự, sau khi hack nick facbook (chiếm đoạt quyền sử dụng tài khoản facebook), đối tượng truy cập phần messenger (tin nhắn), nhắn tin cho nạn nhân là bạn bè trong danh sách nhờ bình chọn cho người nhà tham gia cuộc thi/chương trình truyền hình/chương trình thực tế... Khi nạn nhân truy cập vào đường link tham gia bình chọn thì ngay lập tức bị mất quyền kiểm soát facebook. Các đối tượng đổi mật khẩu đăng nhập facebook, thực hiện các hành vi lừa đảo nhắn tin, gọi điện qua messenger như trên, lợi dụng lòng tin hòng chiếm đoạt tài sản.
Để tránh dính bẫy lừa đảo, bạn đọc cần tự trang bị cho mình những hiểu biết cơ bản về các thủ đoạn lừa đảo qua mạng, đồng thời lưu ýmột số cách phòng tránh sau đây:
Một là, tỉnh táo trước những cuộc gọi, tin nhắn... qua mạng xã hội đề nghị chuyển tiền. Cẩn trọng khi nhận được các đường link hoặc file qua Facebook, Zalo... không nên truy cập vào các đường link không rõ nguồn gốc hoặc có nghi ngờ về độ an toàn của đường link đó.
Hai là, thường xuyên đổi mật khẩu cho các tài khoản mạng xã hội.Việc đổi mật khẩu cho các tài khoản mạng xã hội như Facebook, Zalo... nhằm mục đích tăng tính bảo mật cho tài khoản. Nếu để mật khẩu quá dễ đoán hoặc quá lâu sẽ không đảm bảo được tính bảo mật, dễ bị lợi dụng sơ hở để xâm nhập vào tài khoản mạng xã hội và thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Ngoài ra, người sử dụng mạng xã hội nên cài đặt thêm các phần mềm diệt virus, thường xuyên cập nhật các bản vá lỗi của phần mềm và hệ điều hành.
Ba là, thường xuyên tìm hiểu, cập nhật thông tin về các thủ đoạn, hành vi lừa đảo trên không gian mạng và thực tiễn để phòng tránh. Trong trường hợp phát hiện thông tin, hành vi lừa đảo hoặc có dấu hiệu lừa đảo, hãy chủ động thông tin tới cấp ủy, chính quyền, cơ quan Công an gần nhất để xử lý theo quy định./.
Văn Tú - Công an huyện Thanh Miện