Toàn cảnh khu sinh thái Đảo Cò nhìn từ trên cao
Nguồn: Trang cộng đồng Đảo Cò Chi Lăng Nam – di tích quốc gia
Đảo Cò Chi Lăng Nam là một khu du lịch sinh thái vô cùng nổi tiếng ở huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương với cảnh quan thiên nhiên đậm chất nông thôn của đồng bằng Bắc Bộ. Đến với Đảo Cò, du khách sẽ có cơ hội được ngồi trên nhưng chiếc thuyền nhỏ xuôi theo dòng nước để thưởng ngoạn những cảnh sắc thiên nhiên xinh đẹp mà có thể bạn sẽ chưa bao giờ được nhìn thấy trong đời. Đảo Cò là một hòn đảo nhỏ nằm giữa mặt hồ tĩnh mịch, mênh mông. Tại đây, du khách cũng sẽ được tận mắt chứng kiến cảnh từng đàn cò trắng bay lượn kín một góc trời mang theo những thanh âm trong trẻo, ríu rít kháo nhau về tổ khuấy động cả một vùng không gian yên tĩnh. Ở trên đảo những chú cò trắng đậu san sát nhau trên những cành cây khẳng khiu trông giống như một khu vườn toàn những bông hoa màu trắng tinh khôi đang đến mùa nở rộ. Tham quan Đảo Cò Chi Lăng Nam, du khách như được đắm mình vào một không gian xanh tươi, mát mẻ của thiên nhiên, lạc vào sự xinh đẹp tuyệt vời được tạo hóa ban tặng.

Đảo Cò Chi Lăng Nam lúc hoàng hôn
Nguồn: Trang cộng đồng Đảo Cò Chi Lăng Nam – di tích quốc gia
Đảo Cò Chi Lăng Nam thuộc thôn An Dương, xã Chi Lăng Nam, huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương. Khu du lịch sinh thái Đảo Cò cách thành phố Hải Dương khoảng 30 km, nằm về phía Nam của thủ đô Hà Nội. Từ Hà Nội đến Đảo Cò Chi Lăng Nam khoảng 70 km, mất tầm hai tiếng di chuyển bằng xe máy hoặc ô tô. Đây là một miền quê thuộc vùng sâu, xa cách với các đô thị phồn vinh, nằm trong vùng trũng của hệ thống thủy nông Bắc Hưng Hải của đồng bằng Bắc Bộ. Đây cũng còn là nơi lưu giữ những trang sử vàng về truyền thống cách mạng vẻ vang của dân tộc.
Nhắc đến Đảo Cò Chi Lăng Nam thì lịch sử hình thành chính là một trong những yếu tố góp phần làm nên sự hấp dẫn và thu hút du khách đến với khu sinh thái này. Có rất nhiều huyền thoại thú vị được kể lại ở nơi đây.
Người dân trong vùng vẫn truyền tai nhau câu chuyện về sự hình thành kì lạ của Đảo Cò. Trận đại hồng thủy đầu thế kỉ XVIII đã làm vỡ đê sông Luộc, nước tràn vào ngập trắng cả một vùng. Xung quanh gò đất nhô cao giữa cánh đồng trũng An Dương bỗng nổi lên những xoáy nước khổng lồ. Sau 3 trận lũ kinh hoàng ấy, ngôi đền linh thiêng trên đỉnh gò biến mất. Nước không bao giờ rút nữa tạo thành một hồ lớn, nay gọi là hồ An Dương. Nơi trước kia là ngôi đền nay hình thành 01 đảo nhỏ có diện tích hơn 4.000m2, ngày ngày có hàng nghìn con cò, con vạc bay về trú ngụ làm tổ sinh sống và cái tên "Đảo Cò" cũng được xuất hiện từ đó.
Nơi đây cũng là địa điểm ghi dấu ấn lịch sử trong các cuộc khởi nghĩa chống quân xâm lược. Vào thế kỉ thứ VI - Đảo Cò xã Chi Lăng Nam là căn cứ của nghĩa quân Triệu Quang Phục, nơi đây diễn ra cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Nguyên Mông ở thế kỉ XIII. Vào những năm 1885 - 1889, là một trong số những căn cứ của nghĩa quân Nguyễn Thiện Thuật trong cuộc khởi nghĩa Bãi Sậy. Tháng 4 năm 1947 Đảng bộ tỉnh Hải Dương đã chọn đình thôn Triều Dương làm địa điểm để tổ chức Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 2và là nơi có nhiều cơ quan trọng yếu đóng quân trong thời kì kháng chiến như: cơ quan bào chế dược Quân khu 3, nhà máy in Khói Lửa, xưởng giấy Đồng Tiến, công binh xưởng Quân khu 3, quân y tỉnh Hải Dương, trại giam của Ty Công an tỉnh, bệnh xá Trung đoàn 42, xưởng in Bạch Đằng cùng đông đảo đồng bào tản cư từ Hải Dương, Gia Lộc, Bình Giang về đóng quân và cư trú tại xã, khu Đảo Cò còn là nơi cất giấu vũ khí của E42 và công binh xưởng Quân khu 3...
Do địa hình là khu vực thấp trũng, nhiều ao hồ nên mực nước ngầm xuất hiện cao ở độ sâu từ 2 -3m. Đây được coi là khu sinh thái quý hiếm có giá trị trên nhiều lĩnh vực của đồng bằng Bắc Bộ mà bất cứ du khách nào cũng thích thú khi đến nơi đây.Nếu ai đó đã từng ví khu danh thắng Đảo Cò như một bông hoa ngũ sắc tuyệt đẹp thì nhụy của bông hoa ấy chính là Đảo Cò. Đảo Cò đã thực sự chinh phục du khách bằng bản sắc riêng của chính mình. Đảo nằm giữa lòng hồ An Dương với diện tích mặt hồ 90.377,5 m2.
Nhờ thiên nhiên ưu đãi cho khí hậu ôn hòa và đất đai màu mỡ, hòn đảo trở thành nơi trú ngụ lý tưởng của hàng trăm, hàng nghìn con cò. Giống như ông bà ta xưa thường có câu “Đất lành chim đậu”. Chính quyền địa phương và nhân dân xã Chi Lăng Nam đã quyết định đề xuất xây dựng khu bảo tồn thiên nhiên vì nhận thấy sự xinh đẹp, độc đáo và rất tiềm năng của cảnh quan nơi đây. Từ đó, Đảo cò Chi Lăng Nam ra đời và dần dần trở thành khu du lịch sinh thái vô cùng nổi tiếng của huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương.
Cò trắng – một trong 9 loài cò trên đảo
Nguồn: Trang cộng đồng Đảo Cò Chi Lăng Nam – di tích quốc gia
Đảo Cò được du khách trong và ngoài nước biết đến từ những năm 1993. Chị Nguyễn Hải Quế - người con của quê hương học tại trường Cao đẳng sư phạm Hải Hưng, lúc bấy giờ qua một bài tiểu luận giới thiệu cảnh đẹp Đảo Cò của quê hương thì khi ấy Đảo Cò mới thực sự thu hút được sự quan tâm của các cấp, các ngành và được giới thiệu rộng rãi trên phạm vi toàn quốc. Cứ thế, Đảo Cò trở thành điểm đến lý tưởng của nhiều du khách trong và ngoài nước.
Đảo Cò Chi Lăng Nam có diện tích mặt hồ hơn 90 nghìn ha, hiện có 2 đảo gồm đảo chính có tên khoa học là đảo 3A nằm ở phía tây hồ có diện tích trên 4.500m2 và đảo phía đông hay còn gọi là đảo 3B, có diện tích trên 7.100m2. Hiện nay, Đảo Cò là nơi cư ngụ của trên 18 nghìn con cò và trên 8 nghìn con vạc. Trong đó cò có 9 loài gồm cò trắng, cò lửa, cò bợ, cò ruồi, cò hương, cò nghênh, cò ngang, cò nhạn, cò diệc và 3 loài vạc gồm vạc xám, vạc lưng xanh và vạc sao… có nguồn gốc từ Trung Quốc, Ấn Độ, Mianma. Ngoài ra, Đảo Cò còn là nơi cư ngụ của nhiều loài khác như: mòng két, le le, vịt trời; đặc biệt nơi đây còn có cò nhạn, bồ nông và cốc đen là 3 loài chim quý hiếm nằm trong sách đỏ Việt Nam. Do số lượng cò, vạc và các loài chim kéo về sinh sôi ngày càng đông đúc nên hiện nay đã bồi đắp thêm một hòn đảo thứ 3 với diện tích khoảng 5.500m2.
Đảo Cò Chi Lăng Nam với hệ sinh thái đa dạng
Ngoài các loài chim, cò trong lòng hồ An Dương còn có rất nhiều loại cây thuỷ sinh, các loại cá, tôm, một số loài sinh vật quý có tên trong sách đỏ Việt Nam như: cá chuối hoa, tổ đỉa, ba ba, rái cá, cá măng kìm... Sự đa dạng về động, thực vật nơi đây đã tạo ra một hệ sinh thái rất hấp dẫn và hiếm có tại khu vực đồng bằng châu thổ Sông Hồng, thu hút ngày càng nhiều du khách tới tham quan, đồng thời trở thành địa chỉ để thực hiện giáo dục môi trường đối với học sinh, sinh viên, du khách tham quan và cộng đồng. Một số nhà khoa học khi tới đây khảo sát đã nhận định đây là khu dự trữ thiên nhiên có mức độ đa dạng sinh học lớn được bảo tồn gần như nguyên vẹn ở khu vực miền Bắc, với mật độ cò, vạc sinh sống khá dày, lại được người dân nơi đây bảo vệ nên cò, vạc tỏ ra rất gần gũi, không e sợ khi lại gần, rất thuận lợi cho việc quan sát, theo dõi tập tính sinh hoạt của chúng. Khi giáo sư Mai Dinh Yên và giáo sư Lê Điện Dực - cán bộ nghiên cứu về bảo vệ thiên nhiên và bảo vệ môi trường của trường Đại Học Tổng hợp Hà Nội nay thuộc Đại học Quốc gia đến thăm và ghi vào sổ lưu niệm với nhận định cho rằng "Vườn cò Chi Lăng Nam là một vườn cò rất điển hình của vùng Đồng bằng Bắc Bộ".
Các cấp chính quyền và người dân trong xã luôn ý thức được tiềm năng kinh tế mà Đảo Cò mang lại, không chỉ có tiềm năng về mặt du lịch mà còn có lợi về mặt nông nghiệp với quy luật tự nhiên khi loài cò nhạn bắt ốc bươu vàng, cò hương ăn sâu bọ, cò ruồi ăn cào cào, châu chấu, loài vạc thì ăn rắn, ăn chuột... giúp ích cho việc bảo vệ mùa màng của nhân dân, nên mọi người càng ra sức bảo vệ và mở rộng đảo, trồng thêm nhiều cây cối làm nơi trú ngụ cho cò, vạc. Thời gian trước, chúng trú ngụ ở đảo trong khoảng từ tháng 9 năm trước đến tháng 4 năm sau. Bây giờ cò, vạc không những chỉ về đây trú ngụ quanh năm mà còn làm tổ, sinh sản ngay trên đảo, khiến cho số lượng cò, vạc ngày một nhiều hơn.
Đất lành chim đậu
Nguồn: Trang cộng đồng Đảo Cò Chi Lăng Nam – di tích quốc gia
Đến Đảo Cò vào lúc sáng sớm hay hoàng hôn để cảm nhận sự yên bình khi ngồi trên chiếc thuyền lướt nhẹ trên sóng nước hồ An Dương, du khách có thể thả mình vào không gian hữu tình của sông nước và cảnh “giao ca” thú vị giữa cò và vạc. Giờ nghỉ ngơi của cò sau một ngày lặn lội kiếm ăn vất vả cũng là thời điểm đi kiếm ăn của vạc sau một giấc ngủ ngày. Để rồi sáng hôm sau, khi từng đàn cò trắng bay kín cả mặt hồ đi kiếm ăn thì từng đàn vạc lại lặng lẽ trở về đảo nghỉ ngơi. Sự giao ca tiếp nối ấy không bao giờ ngưng, khi cò hoặc vạc trở về bao giờ cũng giang rộng cánh bay vòng quanh hồ để soi gương, để chiêm ngưỡng rồi lượn vòng quanh đảo chào đón, chia tay nhau. Những âm thanh lúc trầm lúc bổng của tiếng cò, tiếng vạc gọi nhau tạo nên những bản hòa tấu nhịp nhàng, gợi cảm giác bình yên, hấp dẫn đến khó tả:
Rợp trời cánh trắng cò bay
Mây đùa sóng nước mê say đất trời
Thả con thuyền trắng rong chơi
Hồn thơ chợt thấy chơi vơi đất này.
(Diễm Thúy)
Du khách chèo thuyền tham quan Đảo Cò
Với những giá trị về văn hóa, lịch sử, tâm linh và nhất là sự đa dạng sinh học, ngày 08/7/2014, khu sinh thái Đảo Cò Chi Lăng Nam chính thức được Bộ Văn hóa thể thao và du lịch ra quyết định công nhận là Danh lam thắng cảnh cấp quốc gia.
Học sinh trường Tiểu học xã Chi Lăng Nam tham gia hoạt động trải nghiệm
Hàng năm, du khách đến với khu danh lam thắng cảnh rất đông và tăng dần theo từng năm. Trước đây, khách du lịch đến Đảo Cò chỉ đạt từ 3.000 – 4.000 lượt người/tháng và thường tập trung vào mùa hè thu, tuy nhiên những năm gần đây du khách đến thăm đảo quanh năm và số lượng ngày càng tăng. Hàng năm Ban quản lý đã tổ chức đón từ 50.000 – 60.000 lượt du khách đến học tập, nghiên cứu và tham quan tại khu danh thắng Đảo Cò. Thu từ hoạt động du lịch ước đạt 05 tỷ đồng/năm trong đó dịch vụ ăn uống đạt 03 tỷ đồng, dịch vụ nghỉ ước đạt 800 triệu; dịch vụ đi thuyền thăm quan ước đạt 1,2 tỷ đồng.
Tại Đảo Cò đã xây dựng và đưa vào phát triển mô hình du lịch cộng đồng từ năm 2012, trong căn nhà nhỏ xinh, du khách sẽ được trải nghiệm cuộc sống cùng người dân nơi đây. Đến nay Đảo Cò có 05 homestay có khả năng đón khách, trong đó có 02 homestay đón được cả khách nội địa và quốc tế. Du lịch cộng đồng đã đem lại những kết quả nhất định, ước đạt doanh thu từ hoạt động du lịch cộng đồng là 01 tỷ đồng/năm.
Homestay của gia đình chị Nguyễn Thị Ngoan (thôn An Dương – Chi Lăng Nam)
Làng nghề bánh đa Hội Yên cũng là điểm đến thú vị đối với các khu khách. Nghề làm bánh đa truyền thống ở thôn Hội Yên đã có từ lâu đời và chính thức được công nhận là “làng nghề truyền thống” từ năm 2004. Hiện nay số lượng hộ theo nghề không nhiều như trước với 13 hộ sản xuất cùng số công nhân từ 100 - 120 người nhưng cho sản lượng bánh tăng và chất lượng được nâng cao, đặc biệt năm 2020, sản phẩm bánh đa Q5 của gia đình anh Phan Đắc Thược đã được tỉnh công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao. Thương hiệu bánh đa Hội Yên đã có mặt ở nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước và đã được xuất khẩu. Có được kết quả này là nhờ sự thay đổi về tư duy, cách làm nghề của người dân và chính quyền địa phương. Chi tiết xem tại đây:
Xưởng sản xuất bánh đa của gia đình anh Phan Đắc Thược
Ngoài ra, xung quanh quần thể Danh lam thắng cảnh Đảo Cò còn có những điểm tham quan giúp du khách có sự trải nghiệm về một vùng quê yên bình khi cuộc sống hàng ngày nơi đô thị luôn nhộn nhịp và tấp nập. Nằm cách không xa khu Danh lam thắng cảnh Đảo Cò Chi Lăng Nam là cánh đồng sen rộng mênh mông và một số mô hình nông nghiệp sạch, nó đã trở thành địa điểm thu hút rất nhiều khách du lịch đến tham quan và chụp ảnh. Chi tiết xem tại đây
Khu vực đầm sen của gia đình anh Tạ Văn Soay
Nguồn: Báo Hải Dương
Nếu một ngày nào đó, bạn quá mệt mỏi với công việc và cuộc sống nơi phố thị, muốn gác lại mọi thứ, thư giãn để đắm mình trong những cảnh đẹp hữu tình của thiên nhiên thì Đảo Cò Chi Lăng Nam chính là một điểm đến lý tưởng. Hy vọng bài viết trên đây sẽ cung cấp cho mọi người những thông tin hữu ích về điểm du lịch sinh thái Đảo Cò Chi Lăng Nam.
Huyện đoàn Thanh Miện