1. Giả danh Công an, Tòa án gọi điện thông báo người dân có liên quan đến việc mua bán ma túy, rửa tiền hoặc xử phạt nguội vi phạm giao thông, yêu cầu bị hại chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng do các đối tượng cung cấp để phục vụ công tác điều tra, xử lý. Khi người dân lo sợ, chuyển tiền thì các đối tượng đã chuyển tiền đến nhiều tài khoản thuộc các ngân hàng khác nhau để chiếm đoạt. Đã xảy ra nhiều vụ với số tiền bị chiếm đoạt lên đến hàng trăm triệu đồng.
Ảnh minh họa
2. Lợi dụng sự nhẹ dạ cả tin và nhu cầu kiếm tiền nhanh của nhiều người, các đối tượng giả mạo tuyển cộng tác viên xử lý đơn hàng cho các sàn thương mại điện tử. Bằng các thủ đoạn lập các trang Facebook giả mạo các nhãn hàng, trang thương mại điện tử như: Tiki.vn, Lazada, TokyoLife, Shopee,… và chạy quảng cáo, khi người tham gia nhắn hỏi cách thức làm cộng tác viên, đối tượng gửi thông tin về công ty, nhân viên chăm sóc khách hàng… và yêu cầu gửi các thông tin cá nhân, kết bạn zalo tư vấn. Thời gian đầu, các đối tượng gửi đường dẫn các sản phẩm có giá trị nhỏ (khoảng vào trăm nghìn đồng) để người tham gia chọn và xác thực đơn, chụp ảnh đơn hàng gửi cho đối tượng qua Zalo, Facebook chuyển tiền vào các tài khoản do đối tượng cung cấp, đối tượng chuyển lại tiền gốc và hoa hồng từ 3-20%.
Sau một số lần tạo niềm tin, đối tượng đưa lý do người tham gia “đã được công ty nâng hạng”, gửi các đường dẫn sản phẩm trên sàn Lazada, Shopee… có giá trị lớn hơn, đề nghị người tham gia chụp ảnh sản phẩm, chuyển tiền. Khi người tham gia chuyển tiền, đối tượng tiếp tục thông báo người tham gia phải tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ khác để nhận lại tiền gốc và hoa hồng (thực chất là tiếp tục chuyển tiền vào tài khoản của đối tượng). Sau đó các đối tượng chiếm đoạt tiền của bị hại.
3. Giả danh các nhà mạng gọi điện thông báo số thuê bao điện thoại người sử dụng trúng thưởng các tài sản có giá trị lớn. Để nhận được phần thưởng, người sử dụng phải mất phí. Nếu đồng ý thì mau thẻ cào nạp vào số tài khoản do các đối tượng cung cấp. Khi người sử dụng tin tưởng làm theo thì các đói tượng chặn liên lạc và chiếm đoạt.
4. Giả danh là cán bộ Ngân hàng gọi điện thông báo bị hại có người chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng, do bị lỗi chưa chuyển được hoặc phần mềm chuyển tiền Internet Banking của tài khoản bị lỗi,.. yêu cầu chủ tài khoản cung cấp mã số thẻ và mã OTP để kiểm tra. Khi chủ tài khoản tin tưởng cung cấp thông tin theo yêu cầu thì bị các đối tượng truy nhập vào tài khoản để rút, chiếm đoạt tiền trong tài khoản.
5. Lừa đảo thông qua các sàn giao dịch trên mạng. Các đối tượng mời chào, lôi kéo người tham gia đầu tư vào các sàn giao dịch tiền ảo do đối tượng thiết lập, cam kết sẽ hưởng lợi nhuận cao khi tham gia. Các đối tượng thường quảng bá, đánh bóng tên tuổi bằng cách đăng tin, bài trên mạng xã hội, tổ chức các buổi hội thảo, gặp mặt offline, tự nhận là chuyên gia đầu tư, chuyên gia tài chính, người truyền cảm hứng, người dẫn đường… Khi huy động được lượng tiền lớn, các đối tượng can thiệp vào giao dịch, điều chỉnh thắng thua hoặc báo lỗi, ngừng hoạt động (sập sàn) để chiếm đoạt tiền của người tham gia.
6. Đối tượng sử dụng thông tin cá nhân, hình ảnh của các đồng chí lãnh đạo các cơ quan chính quyền, đoàn thể… để thiết lạp tài khoản mạng xã hội (Zalo, Gmail, Facebook,…) mạo danh hoặc chiếm quyền điều khiển (hack) tài khoản mạng xã hội, sau đó các đối tượng sử dụng tài khoản này kết bạn, nhắn tin vay, mượn tiền của bạn bè, người thân, đồng nghiệp… Khi người dân tin tưởng chuyển tiền đến tài khoản do đối tượng cung cấp thì bị chiếm đoạt.
7. Cho vay tiền qua app (vay tiền online): Lợi dụng tâm lý vay tiền online thuận lợi, nhanh chóng, không phải ra ngân hàng làm thủ tục, các đối tượng lập các tài khoản mạng xã hội (Zalo, Facebook…) chạy quảng cáo cho vay tiền để tiếp cận người có nhu cầu. Khi người có nhu cầu liên hệ, các đối tượng gửi đường link kết nối với CH Play/Apple Store để người vay cài đặt ứng dụng và thực hiện các thủ tục vay tiền trên app. Khi người vay đăng nhập để vay tiền thì app sẽ báo lỗi. Các đối tượng yêu cầu người vay chuyển tiền đặt cọc để mở lại app thì mới giải ngân được (sau khi giải ngân thì sẽ trả lại tiền cọc và tiền cho vay), hoặc yêu cầu người vay mua bảo hiểm khoản vay, đóng tiền phí giải ngân… Khi người vay tin tưởng chuyển nhiều thì bị các đối tượng chiếm đoạt.
8. Lợi dụng việc mở rộng tìm kiếm nguồn hàng, đơn hàng, dự án làm ăn qua các mạng xã hội, mạng internet của những cá nhân, hộ kinh doanh, doanh nghiệp, các đối tượng giả danh là các nhà cung cấp, nhà đầu tư, chào mời với giá rẻ hấp dẫn hơn trên thị trường. Đối với nguồn hàng, sau khi thỏa thuận thống nhất số lượng hàng, địa chỉ nhận hàng và đặt cọc, các đối tượng sẽ liên hệ đại lý thật để đặt hàng tương tự, đặt cọc, thống nhất thanh toán đủ tiền thì sẽ giao hàng. Khi đại lý thật chở hàng đến địa chỉ bị hại, đối tượng liên tục gọi điện yêu cầu người dân xác nhận hàng đã đến, yêu cầu chuyển khoản thanh toán tiền đơn hàng đến tài khoản do đối tượng cung cấp thì mới bốc được hàng. Thấy có hàng như đã đặt, người dân chuyển tiền thanh toán thì bị chiếm đoạt.
Đối với các dự án làm ăn, sau khi thống nhất các nội dung hợp đồng, các đối tượng nêu lý do các bên cần gặp trực tiếp (thường là một nơi xa cần di chuyển bằng máy bay mới kịp) để giải quyết thì mới ký hợp đồng. Khi người dân đồng ý, đối tượng tiếp tục đặt vấn đề sẽ đặt vé máy bay cho người dân. Khi người dân tin tưởng chuyển tiền vé thì bị các đối tượng chiếm đoạt.
Để tránh dính bẫy lừa đảo, bạn đọc cần tự trang bị cho mình những hiểu biết cơ bản về các thủ đoạn lừa đảo qua mạng, đồng thời lưu ýmột số cách phòng tránh sau đây:
Một là, cẩn trọng khi nhận được các đường link hoặc file qua Facebook, Zalo...Khi nạn nhân bị lừa bấm vào link dẫn tới trang web độc hại, dù chưa thao tác gì tại website đó thế nhưng về mặt kỹ thuật, kẻ xấu có thể đã cài đặt được mã độc lên thiết bị của nạn nhân. Khi đó, hacker đủ quyền để kiểm soát máy tính, đánh cắp dữ liệu và các thông tin về tài khoản.Do đó, không nên truy cập vào các đường link không rõ nguồn gốc hoặc có nghi ngờ về độ an toàn của đường link đó.
Hai là, thường xuyên đổi mật khẩu cho các tài khoản mạng xã hội.Việc đổi mật khẩu cho các tài khoản mạng xã hội như Facebook, Zalo,... nhằm mục đích tăng tính bảo mật cho tài khoản. Bởi, nếu để mật khẩu quá dễ đoán hoặc quá lâu sẽ không đảm bảo được tính bảo mật, khi đó các đối tượng sẽ lợi dụng sự sơ hở này để xâm nhập vào tài khoản mạng xã hội và thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Ngoài ra, người sử dụng mạng xã hội nên cài đặt thêm các phần mềm diệt virus, thường xuyên cập nhật các bản vá lỗi của phần mềm và hệ điều hành.
Ba là,“tỉnh táo” trước những tin tuyển dụng làm cộng tác viên việc nhẹ, lương cao. Đối với những công việc làm cộng tác viên cho các gian hàng thương mại điện tử như Lazada, Shopee, Tiki... cần kiểm tra rõ các thông tin về hàng hóa và đơn vị cung cấp thông qua nhiều nguồn khác nhau để kiểm chứng tính chính xác. Đồng thời, không chuyển tiền đặt cọc theo yêu cầu nếu như chưa xác định được phía tuyển dụng có uy tín hay không.
Trong trường hợp phát hiện thông tin, hành vi lừa đảo hoặc có dấu hiệu lừa đảo, mọi người hãy chủ động thông tin tới cấp ủy, chính quyền, cơ quan Công an gần nhất hoặc phản ánh tới số điện thoại trực ban Công an huyện Thanh Miện 02203.736.534 để xử lý theo quy định./.
Văn Tú – Công an huyện Thanh Miện.