Trong 3 nhiệm kỳ liên tiếp (khoá XI, XII, XIII), Đảng ta đẩy mạnh cuộc đấu tranh chống tham nhũng, quan liêu, tiêu cực, lãng phí.
Các thế lực thù địch tập trung công kích, tuyên truyền luận điệu xuyên tạc về công tác phòng, chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước ta về một số vấn đề như:
(1)Tham nhũng là bản chất của chế độ xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Trong một thể chế mà không có tư pháp độc lập, toà án xử theo lệnh của Đảng không thể chống được tham nhũng.
Nghiên cứu về tham nhũng cho thấy, khi nào xã hội còn tư hữu và tồn tại các hình thức sở hữu khác nhau, các giai cấp khác nhau thì tham nhũng còn xuất hiện, tồn tại ở những mức độ và tính chất nhất định. Ở đâu có quyền lực, có tổ chức nhà nước mà bị tha hóa, không kiểm soát được quyền lực, minh bạch hoạt động thì nguy cơ tham nhũng đều có thể xảy ra. Do đó, dù là hình thức nhà nước nào, thể chế chính trị nào, tham nhũng đều tồn tại. Thực tế, tham nhũng có mặt ở hầu hết các quốc gia trên thế giới và các nước đều đặc biệt quan tâm tìm cách thức để phòng ngừa, xây dựng thiết chế ngăn chặn, hạn chế, đẩy lùi.
Việt Nam đã chuyển từ mô hình nhà nước tập quyền XHCN sang mô hình nhà nước pháp quyền XHCN. Đây là bước đổi mới trong tư duy lý luận về xây dựng và hoàn thiện bộ máy nhà nước của Đảng. Sự đổi mới này dựa trên nhận thức đúng đắn về những hạn chế của mô hình tổ chức bộ máy nhà nước trước đây cũng như những giá trị đã được thừa nhận chung của nhân loại về nhà nước pháp quyền. Đảng đã tiếp thu chọn lọc những giá trị tinh hoa của nhân loại về nhà nước pháp quyền và quản trị nhà nước hiện đại. Việc lựa chọn mô hình nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam là sự kết hợp hài hòa giữa vận dụng lý luận chủ nghĩa Mác - Lênin về nhà nước XHCN, tư tưởng Hồ Chí Minh về nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân và những giá trị tiến bộ, phù hợp với lý luận về nhà nước pháp quyền của nhân loại. Về tổ chức quyền lực nhà nước, chúng ta chủ trương tổ chức theo nguyên tắc: “quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp”. Điều này hoàn toàn phù hợp với thể chế chính trị của nước ta và đã được ghi nhận tại khoản 3 Điều 2 Hiến pháp năm 2013.
(2) Luận điệu khác cho rằng “Tham nhũng là sản phẩm của chế độ, thể chế chính trị ở Việt Nam, cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam hiện nay là cuộc chiến thanh trừng phe phái trong nội bộ Đảng”.
Đây là một sự quy chụp, xuyên tạc, vô căn cứ. Nhà nước pháp quyền XHCN là thống nhất, trong đó, các cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp được phân cấp, phân quyền với chức năng, nhiệm vụ cụ thể. Tòa án xét xử dựa trên hành vi, chứng cứ phạm tội, chứ không phải “xét xử theo lệnh của Đảng” như luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch. Thực chất luận điệu xuyên tạc này nhằm tuyên truyền, cổ xúy cho nhà nước tam quyền phân lập.
Việc Đảng lãnh đạo hoạt động kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng trong giai đoạn hiện nay là tất yếu, khách quan, dựa trên cơ sở lý luận, thực tiễn. Bởi lẽ, việc không kiểm soát được quyền lực sẽ dẫn đến những hậu quả khôn lường, sự “tha hóa quyền lực” và sự lạm dụng quyền lực trong công tác cán bộ thường đi liền với tham nhũng. Tại kỳ họp thứ tư Quốc hội khóa XIV, nhiều đại biểu đã chỉ rõ: Phòng, chống tham nhũng trong tuyển dụng công chức, bổ nhiệm cán bộ rất khó, nhưng đây lại là “nguyên nhân mấu chốt” và tham nhũng cũng từ đây mà ra. Nếu không có giải pháp kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và đấu tranh phòng, chống tham nhũng hữu hiệu thì hệ quả sẽ hết sức nghiêm trọng, sẽ tạo ra một đội ngũ cán bộ, công chức yếu kém, làm mục ruỗng hệ thống chính trị, thậm chí đe dọa sự tồn vong của chế độ.
Công tác phòng, chống tham nhũng không có “vùng cấm”, không có “ngoại lệ”, không có “đặc quyền” đối với bất kỳ ai. Với quan điểm rõ ràng, cụ thể đó, luận điệu: “Phòng chống tham nhũng đấu đá nội bộ, tranh giành quyền lực”; “Đảng không thể đấu tranh phòng, chống tham nhũng”... là hoàn toàn sai lầm và vô căn cứ. Có thể thấy, từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng đến nay, đã thi hành kỷ luật trên 110 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý, trong đó có 21 đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, 22 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang. Việc xử lý cán bộ, công chức, đảng viên tham nhũng, vi phạm pháp luật là hết sức cần thiết, được nhân dân đồng tình, ủng hộ.
(3) Trên không gian mạng, các thế lực phản động ra sức tuyên truyền rằng: “căn nguyên tạo ra tham nhũng là do một đảng lãnh đạo, đảng đứng trên pháp luật. Vì thế, phải thực hiện đa đảng để không còn hoặc là hạn chế tham nhũng”. Thực tế, chúng muốn lợi dụng việc phòng, chống tham nhũng để xóa bỏ sự lãnh đạo của Đảng, đồng thời, cổ xúy cho tham nhũng, lợi ích nhóm. Chúng xuyên tạc nhằm gây chia rẽ nội bộ, làm suy giảm ý chí, lòng tin của nhân dân; giảm ý nghĩa thắng lợi công cuộc phòng chống tham nhũng. Bên cạnh đó, một bộ phận người dân do chưa hiểu đúng, hiểu rõ về cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng của Đảng, Nhà nước nên hoài nghi, có những phát ngôn lệch lạc, làm ảnh hưởng đến công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng hiện nay.
Phòng, chống tham nhũng là vấn đề sống còn của Đảng, của chế độ, do đó là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta, vì lợi ích của Đảng, của đất nước và mỗi người dân. Đây là “mặt trận” phức tạp, gay gắt, quyết liệt, trực tiếp đấu tranh với sự chống đối của những người đi ngược lại lợi ích chung của Đảng và đất nước. Nhận thức rõ nguy cơ tham nhũng, Đảng ta đã đẩy mạnh công tác đấu tranh phòng, chống, tham nhũng, gắn với ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong một bộ phận cán bộ, đảng viên, từ đó nhận được sự đồng tình, ủng hộ của cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân. Nhà nước đã ban hành nhiều đạo luật để thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng như: Luật Phòng, chống tham nhũng, Bộ luật Hình sự,... Thí dụ, cụ thể hóa quy định của Đảng về phòng, chống tham nhũng “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, không có hạ cánh an toàn...”, Bộ luật Hình sự Việt Nam đã quy định không có thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các loại tội phạm tham nhũng.
Tuy nhiên, các thế lực thù địch vẫn cất lên những tiếng nói lạc lõng, cố tình xuyên tạc, bóp méo, làm sai lệch vấn đề, định hướng dư luận với mục đích xấu. Do đó, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta cần nhận diện đúng những âm mưu, thủ đoạn tinh vi đó, giữ vững quyết tâm cao trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng hiện nay. Mỗi tổ chức, cá nhân phải nhận thức phòng, chống tham nhũng là cuộc chiến chống “giặc nội xâm”, kiên quyết phòng, chống với tinh thần thẳng thắng, quyết liệt. Phòng chống tham nhũng bằng cả cơ chế, chính sách và hệ thống kiểm soát quyền lực... Có như vậy, tham nhũng, lợi ích nhóm mới bị đẩy lùi và không còn cơ hội để tồn tại. Đồng thời, phải luôn tỉnh táo trước các âm mưu thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề này.
Trong những năm vừa qua, Công an huyện Thanh Miện quán triệt thực hiện nghiêm túc nghị quyết của Đảng ủy Công an Trung ương, Công an tỉnh về lãnh đạo công tác phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Thực hiện nghiêm túc các quy định về chế độ, định mức, tiêu chuẩn theo quy định, hướng dẫn của Bộ Công an và Công an tỉnh, qua đó đảm bảo việc đúng chế độ, định mức tiêu chuẩn cho CBCS trong đơn vị, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ công tác chuyên môn. Công an huyện đã tham mưu Huyện ủy, HĐND, UBND huyện triển khai nghiêm túc, đồng bộ các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp được nêu trong nội dung Đề án số 02-ĐA/TU và Kế hoạch số 43/KH/HU nhằm nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của Công an huyện trong công tác nội chính và công tác phòng, chống tham nhũng trong tình hình mới; phát huy sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị, tập trung triển khai các hình thức, biện pháp thiết thực hiệu quả, phù hợp chức năng, nhiệm vụ của Công an huyện.
Tham mưu triển khai thực hiện Chỉ thị số 27-CT/TW, ngày 10/01/2019 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạp của Đảng đối với công tác bảo vệ người phát hiện, tố giác, người đấu tranh chống tham nhũng, lãnh phí, tiêu cực, Chỉ thị số 50-CT/TW ngày 07/12/2015 của Bộ chính trị trong công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng; Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 22/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường xử lý ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc… Trong thời gian tới, tiếp tục triển khai các văn bản, kế hoạch, chương trình về phòng, chống tham nhũng, đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng cán bộ chiến sĩ; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “”tự diễn biến”, “”tự chuyển hóa” trong nội bộ.
Nguyễn Thị Thắm – Công an huyện