BẢN TIN NỘI BỘ
Bản tin nội bộ huyện Thanh Miện tháng 01 năm 2024
02/01/2024 12:00:00

   I. NHỮNG TIN TỨC NỔI BẬT

   1. Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ huyện khóa XXIV (lần thứ Mười lăm)

   Ngày 14/12, Ban chấp hành Đảng bộ huyện tổ chức hội nghị lần thứ lần thứ Mười lăm. Đồng chí Đồng Dũng Mạnh - Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy phát biểu khai mạc và bế mạc hội nghị.

   Tại Hội nghị, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện đã nghe và cho ý kiến v kết quả lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị năm 2023, phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm năm 2024; chương trình làm việc của Ban Chấp hành Đảng Đảng bộ huyện 2024; kết quả lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát năm 2023, phương hướng nhiệm vụ trọng tâm năm 2024 và chương trình kiểm tra giám sát của cấp ủy năm 2024; nghe và cho ý kiến các nội dung do Ủy ban nhân dân (UBND) huyện báo cáo (Kết quả thực hiện dự toán thu, chi ngân sách nhà nước 2 cấp năm 2023 và dự toán thu, chi ngân sách năm 2024; tình hình thực hiện kế hoạch vốn chi đầu tư xây dựng cơ bản ngân sách huyện năm 2023 và dự kiến kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách huyện năm 2024; việc bổ sung dự toán ngân sách huyện ghi thu, ghi chi tiền bồi thường, hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất để giải phóng mặt bằng chuyển mục đích sử dụng đất trừ vào tiền thuê đất năm 2023,...).

Các đại biểu tham dự đã tập trung thảo luận về kết quả chủ yếu trong công tác lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị năm 2023, phương hướng nhiệm vụ trọng tâm năm 2024; những khó khăn, giải pháp trong sản xuất nông nghiệp, trong công tác giải phóng mặt bằng thực hiện các công trình dự án; tiến độ thực hiện các tiêu chí Nông thôn mới nâng cao, Nông thôn mới kiểu mẫu, đô thị văn minh; giải pháp phấn đấu hoàn thành kế hoạch phát triển đảng viên năm 2024,...

Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Bí thư Huyện ủy đánh giá cao kết quả đạt được chỉ rõ những hạn chế, yếu kém trên các lĩnh vực năm 2023; đồng thời nhấn mạnh: Năm 2024, có nhiều thuận lợi trong phát triển kinh tế - xã hội, nhất là việc quy hoạch vùng tỉnh Hải Dương đã được Chính phủ phê duyệt, trong đó xác định Thanh Miện vùng công nghiệp động lực tỉnh Hải Dương. Vấn đề này cũng đặt ra nhiều thách thức cho huyện trong thời gian tới; vì vậy Ban Chấp hành Đảng bộ huyện cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tạo nền tảng sẵn sàng bứt phá đi lên. Trong đó, thực hiện quyết liệt các nhiệm vụ ngay từ những ngày đầu năm 2024; cấp ủy đảng, chỉnh quyền và hệ thống chính trị từ huyện tới cơ sở cần xác định rõ trách nhiệm trong thực hiện các nhiệm vụ chính trị; quan tâm đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ các cấp; triển khai tổ chức đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2025 - 2030.

   2. Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ huyện khóa XXIV (Hội nghị đột xuất)

   Ngày 22/12/2023, Ban chấp hành Đảng bộ huyện tổ chức hội nghị đột xuất để thực hiện quy trình công tác cán bộ.

   Hội nghị thực hiện lấy phiếu tín nhiệm theo quy định đối với các chức danh Bí thư, Phó Bí thư và Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy nhiệm kỳ 2020 - 2025. Kết quả các chức danh được lấy phiếu tín nhiệm đều đạt tỷ lệ phiếu tín nhiệm cao và tín nhiệm từ 97% đến 100%. Tại hội nghị đã Ban Chấp hành Đảng bộ huyện phân công đồng chí Nhữ Văn Cúc giữ chức vụ Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy khóa XXIV, nhiệm kỳ 2020 - 2025 (trước đó đồng chí Nguyễn Thế Tài - Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy đã được HĐND huyện bầu giữ chức vụ Chủ tịch UBND huyện nhiệm kỳ 2021 - 2026); phân công đồng chí Nguyễn Anh Tuấn, ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy, Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra Huyện ủy giữ chức vụ Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy nhiệm kỳ 2020 - 2025 (thay đồng chí Nguyễn Trung Nghĩa, vừa được HĐND huyện bầu giữ chức vụ Phó Chủ tịch UBND huyện nhiệm kỳ 2021 - 2026). Tiến hành bầu bổ sung ủy viên Ủy ban kiểm tra Huyện ủy và Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra Huyện ủy nhiệm kỳ 2020 - 2025 đối với đồng chí Bùi Hữu Tiếp, Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện nhiệm kỳ 2021 - 2026.

Kết luận hội nghị, đồng chí Bí thư Huyện ủy đánh giá cao kết quả lấy phiếu tín nhiệm các chức danh theo quy định đã thể hiện sự đoàn kết thống nhất trong Ban Chấp hành Đảng bộ huyện; việc điều động, luân chuyển, kiện toàn cán bộ chủ chốt của huyện đảm bảo chặt chẽ, dân chủ, đúng nguyên tắc của Đảng, với sự tập trung tín nhiệm cao; đồng chí yêu cầu các đồng chí vừa được kiện toàn cần tiếp cận và bắt tay ngay vào công việc mới, không để gián đoạn và triển khai thực hiện nhiệm vụ được phân công một cách hiệu quả nhất.

      3. Kỳ họp thứ 16 Hội đồng Nhân dân huyện khóa XX (nhiệm kỳ 2021 - 2026)

   Trong 02 ngày 20, 21/12/2023, HĐND đã tổ chức Kỳ họp thứ 16 HĐND huyện khóa XX. Đồng chí Đồng Dũng Mạnh - Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện phát biểu khai mạc bế mạc kỳ họp.
   Trong ngày làm việc thứ nhất (20/12/2023), sau phát biểu khai mạc của đồng chí Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện, Kỳ họp đã thông qua các báo cáo: Tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2024. Báo cáo thực hiện thu, chi ngân sách nhà nước hai cấp năm 2023 và dự toán thu, chi ngân sách nhà nước hai cấp năm 2024. Báo cáo kết quả chi đầu tư xây dựng cơ bản năm 2023, dự kiến phân bổ vốn đầu tư xây dựng cơ bản năm 2024. Báo cáo công tác quản lý đất đai, tài nguyên môi trường năm 2023 và nhiệm vụ năm 2024 thông qua một số báo cáo, tờ trình khác. Kỳ họp dành nhiều thời gian cho các đại biểu thảo luận, chất vấn, trả lời chất vấn những vấn đề đại biểu và cử tri quan tâm. Đồng thời, lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do HĐND huyện bầu theo quy định.

Ngày 21/12/2023, Kỳ họp tiến hành công bố kết quả bỏ phiếu tín nhiệm đối với 19 ông, bà giữ chức vụ do HĐND huyện bầu theo quy định. Ý kiến phát biểu của đồng chí Nhữ Văn Cúc, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện làm rõ những vấn đề cử tri và nhân dân quan tâm.

 
  

Ảnh: Kỳ họp thứ 16 HĐND huyện khóa XX

 

Tiến hành quy trình miễn nhiệm và bầu cử bổ sung một số chức danh của UBND Huyện. Biểu quyết thông qua các Tờ trình của UBND huyện về việc đề nghị miễn nhiệm chức danh Ủy viên UBND huyện đối với ông Nguyễn Quốc Nghị do chuyển công tác tới Liên đoàn Lao động tỉnh và miễn nhiệm chức danh Phó Chủ tịch UBND huyện nhiệm kỳ 2021 - 2026 đối với ông Bùi Hữu Tiếp do được phân công đảm nhận nhiệm vụ mới; thực hiện miễn nhiệm chức danh Chủ tịch UBND huyện đối với ông Nhữ Văn Cúc - Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện nhiệm kỳ 2021 - 2026 do theo quy định về thời gian giữ chức danh Chủ tịch UBND huyện 02 nhiệm kỳ liên tiếp không quá 08 năm để giữ chức danh Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy. Kỳ họp tiến hành bầu bổ sung chức danh Chủ tịch UBND huyện, nhiệm kỳ 2021 - 2026 và bầu bổ sung chức danh Phó chủ tịch UBND huyện, nhiệm kỳ 2021 - 2023. Kết quả: Ông Nguyễn Thế Tài, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy đã trúng cử chức danh Chủ tịch UBND Huyện, nhiệm kỳ 2021-2026 và ông Nguyễn Trung Nghĩa, Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy, Trưởng Ban tổ chức Huyện ủy đã trúng cử chức danh Phó chủ tịch UBND huyện, nhiệm kỳ 2021 - 2026 với số phiếu bầu đạt 100%.

Các đại biểu HĐND huyện tham dự Kỳ họp đã nhất trí cao với 30 dự thảo Nghị quyết được thông qua. Sau 1,5 ngày làm việc khẩn trương, nghiêm túc, kỳ họp thứ 16 HĐND huyện Khóa XX đã hoàn thành toàn bộ các nội dung, chương trình đề ra. Thành công của Kỳ họp có ý nghĩa quan trọng, tạo tiền đề, động lực để huyện nhà tiếp tục thực hiện thắng lợi các nhiệm phát triển kinh tế - xã hội của huyện năm 2024 và những năm tiếp theo.

   4. Khai mạc Hội khỏe Phù đổng huyện lần thứ X

   Ngày 23/12/2023 Huyện Thanh Miện tổ chức Khai mạc Hội khỏe Phù Đổng huyện lần thứ X. Tham gia hội khỏe Phù Đổng huyện Thanh Miện lần thứ X- năm 2024 có gần 700 vận động viên là học sinh của các trường Tiểu học và THCS trong huyện. Hội khỏe Phù Đổng tổ chức 04 môn thi đầu, trong đó bậc tiểu học thi đấu môn bóng đá nam và cờ vua; bậc THCS thi đấu các môn điền kinh và cờ vua. Tại Lễ khai mạc, đã tổ chức diễu hành, biểu dương lực lượng, đồng chí Chủ tịch UBND huyện đã thắp đuốc Đài lửa Hội khỏe Phù Đổng. Ngay sau lễ khai mạc đã diễn ra trận thi đấu bóng đá nam giữa đội tuyển trường tiểu học Tứ Cường và trường tiểu học Thị Trấn, kết quả đội bóng đá trường tiểu học Tứ Cường đã đoạt chức vô địch giải bóng đá Hội khỏe Phù Đổng huyện lần thứ X. Dự kiến các môn thi đấu của Hội khỏe Phù Đổng sẽ kết thúc trong tháng 01/2024. Đây là cơ sở để huyện lựa chọn những vận động viên xuất sắc tham dự Hội khỏe Phù Đổng tỉnh Hải Dương trong thời gian sắp tới.

   5. Hoàn thành việc khám tuyển NVQS năm 2024

   Từ 11-15/12/2023, Hội đồng Nghĩa vụ Quân sự Huyện đã tổ chức khám tuyển sức khỏe NVQS cho công dân nhập ngũ năm 2024. Tỷ lệ công dân chấp hành lệnh gọi khám tuyển đạt hơn 99%; trong đó tỷ lệ công dân đủ điều kiện lên đường nhập ngũ Bảo vệ Tổ quốc năm 2024 đạt hơn 50%. Trong số công dân tham gia khám tuyển sức khỏe NVQS năm 2024 có 93 công dân có trình độ văn hóa THCS, 277 công dân có trình độ văn hóa THPT, 207 công dân có trình độ trung cấp, cao đẳng, đại học, 183 công dân có đơn tình nguyện nhập ngũ.

Ngay sau khi hoàn thành công tác khám tuyển sức khỏe NVQS, Hội đồng NVQS huyện sẽ tập trung hoàn thiện hồ sơ cho các công dân đã trúng tuyển NVQS năm 2024, đồng thời chuẩn bị tốt cho hiệp đồng với đơn vị nhân quân, chuẩn bị tổ chức thâm nhập “3 gặp, 4 biết”, chốt quân số giao quân năm 2024 theo theo quy định. Chỉ đạo HĐNV quân sự các xã, thị trấn tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền, quản lý nguồn công dân trúng tuyển; phân công cán bộ phụ trách, nắm bắt tâm tư nguyện vọng công dân, chủ động tháo gỡ khó khăn, vướng mắc ngay từ cơ sở.

   6. Hoàn thành việc nghiên cứu, quán triệt, triển khai Nghị quyết Hội nghị lần thứ Tám BCH Trung ương Đảng khóa XIII

   Đến ngày 24/12/2023, các tổ chức cơ sở (TCCS) Đảng đã hoàn thành tổ chức các hội nghị học tập, nghiên cứu, quán triệt các nghị quyết Hội nghị lần thứ Tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, gồm: Nghị quyết số 42-NQ/TW về “Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng chính sách xã hội, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới”; Nghị quyết số 43-NQ/TW về “Tiếp tục phát huy truyền thống, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng đất nước ta ngày càng phồn vinh, hạnh phúc”; Nghị quyết số 44-NQ/TW về “Chiến lược bảo vệ tổ quốc trong tình hình mới”; Nghị quyết số 45-NQ/TW về “Tiếp tục xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ trí thức đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước nhanh và bền vững trong giai đoạn mới”.

Việc tổ chức quán triệt nghị quyết tại các TCCS Đảng được thực hiện nghiêm túc, kịp thời; báo cáo viên là các đồng chí bí thư cấp ủy và báo cáo viên của huyện; tỷ lệ cán bộ đảng viên tham gia học tập, nghiêm cứu, quán trệt nghị quyết đạt trên 93%; sau hội nghị các đồng chí đảng viên viết bài thu hoạch; các TCCS đảng xây dựng các kế hoạch triển khai thực hiện nghị quyết tại cơ sở.

     7. Triển khai kế hoạch sản xuất vụ xuân 2024

   Ngày 13/12 UBND huyện đã tổ chức hội nghị triển khai kế hoạch sản xuất vụ đông xuân 2023 – 2024. Theo kế hoạch, vụ Đông Xuân năm 2023 – 2024 huyện nhà sẽ gieo cấy 6.050 ha lúa, phấn đấu năng suất lúa đạt 63 tạ/ha, sản lượng 38.115 tấn trở lên; diện tích gieo trồng cây rau màu là 500 ha.

 

Ảnh: Vụ đông 2023 ở xã Phạm Kha

   Tập trung chỉ đạo nông dân gieo cấy đúng lịch, giảm tối đa tỷ lệ gieo cấy trà xuân sớm, giảm diện tích mạ dược để tránh bị thiệt hại do rét đậm, rét hại. Đồng thời, tăng tối đa trà xuân muộn để đảm bảo lúa trổ bông trong khoảng thời gian từ ngày 01/5 – 15/5/2024. Trà xuân sớm bố trí cơ cấu 3% diện tích, còn lại là trà xuân muộn, chiếm 97% diện tích, gồm các giống như Q5, TBR1, KD18, BTS 7, TBR225, TBR279, Thiên ưu 8, Đài thơm 8, Nếp 97, Nếp 87, DQ11, NB01, VNR20, ADI 30, ND502, Nếp A Sào, Nếp Hương, Nếp Lang Liêu... Với cây rau màu, cần đẩy nhanh chuyển đổi ứng dụng công nghệ cao tăng diện tích sản xuất an toàn, trồng rải vụ và có hợp đồng bao tiêu sản phẩm. Các xã, thị trấn cần tích cực triển khai làm thủy lợi đông xuân theo đúng kế hoạch. Công tác đánh bắt diệt chuột cần được chú trọng và triển khai thường xuyên, hiệu quả. Các ngành, các địa phương cần bám sát vào sự chỉ đạo của huyện và kinh nghiệm của vụ trước, nghiêm túc chỉ đạo nhân dân thực hiện cơ cấu, trà giống lúa và lịch thời vụ. Trong đó căn cứ tình hình thực tế của mỗi địa phương để bố trí cơ cấu, trà giống cho phù hợp.

   7. Nhiều hoạt động nhân dịp Giáng sinh

   Nhân dịp lễ giáng sinh, các đồng chí lãnh đạo Huyện ủy, HĐND, UBND huyện đã thăm, chúc mừng Linh mục Nguyễn Văn Huy và bà con giáo dân ở Giáo xứ Thúy Lâm, xã Đoàn Tùng; thăm và chúc mừng Linh mục Nguyễn Văn Sáng và bà con giáo dân ở Giáo xứ Phương Quan, xã Lê Hồng; thăm và chúc mừng Linh mục Phạm Văn Nhẫn cùng bà con giáo dân Giáo xứ Từ Xá, xã Đoàn Kết. Tại những nơi đến thăm, các đồng chí lãnh đạo huyện đã tặng hoa và gửi đến các linh mục và bà con giáo dân lời chúc mừng giáng sinh an lành, hạnh phúc. Đồng thời, động viên các linh mục và bà con giáo dân tiếp tục thực hiện các hoạt động Tôn giáo theo đúng chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; xây dựng cuộc sống "Tốt đời, đẹp đạo"; tham gia có hiệu quả Cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh".

   Hiện nay trên địa bàn huyện hiện có trên 3.800 người theo Đạo Công giáo thuộc 9 họ đạo của 4 giáo xứ, trong đó có 3 linh mục chính xứ thuộc Giáo xứ Thúy Lâm, xã Đoàn Tùng, Giáo xứ Phương Quan, xã Lê Hồng, Giáo xứ Từ Xá, xã Đoàn Kết. Với phương châm “Kính chúa yêu nước”. Những năm qua, đồng bào Công giáo trên địa bàn huyện luôn tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, yên tâm lao động sản xuất, tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động, chấp hành tốt các chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, góp phần giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn. Trong dịp này, tại tất cả các xứ đạo, họ đạo trong huyện đều tổ chức nhiều hoạt động mừng lễ giáng sinh, riêng đêm Giáng sinh tại các nhà thờ trong huyện đã có gần 10.000 giáo dân và nhân dân đến tham gia các hoạt động mừng giáng sinh, công tác an ninh được đảm bảo tốt.

   II. KẾT QUẢ THỰC HIỆN NHIỆM VỤ NĂM 2023

   1. Lĩnh vực kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh

   1.1. Lĩnh vực kinh tế

   - Sản xuất nông nghiệp: Tổng diện tích gieo trồng cả năm ước thực hiện 14.739 ha, đạt 103,4% kế hoạch, giảm 1,5% so với năm 2022. Năng suất lúa bình quân cả năm ước đạt 63,03 tạ/ha, giảm 1,3% so với năm 2022. Tổng sản lượng thịt hơi xuất chuồng ước 12.558 tấn, tăng 4,6% so với năm 2022. Tổng sản lượng thu hoạch thủy sản ước đạt 7.231 tấn, tăng 6,7% so với năm 2022. Giá trị sản xuất ngành nông nghiệp, thuỷ sản ước đạt 1.626,4 tỷ đồng, bằng 101,9% kế hoạch năm, tăng 3,4% so với năm 2022.

Giá trị sản phẩm trên 01 ha đất trồng trọt và nuôi trồng thuỷ sản ước đạt 179,3 triệu đồng, bằng 103,9% kế hoạch năm, tăng 5,2% so với năm 2022. Hệ số sử dụng đất canh tác 2,2 lần.

 

Ảnh: Các sản phẩm OCOP 3 sao mới được công nhận

- Công nghiệp, dịch vụ, xây dựng, giao thông: Hoàn thành công tác khảo sát, đề xuất phương án sơ bộ thành lập Khu công nghiệp Thanh Miện 1 và Khu công nghiệp Thanh Miện 2, tích hợp vào Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đề nghị UBND tỉnh chấp thuận điều chỉnh Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng Cụm công nghiệp Đoàn Tùng 2 và 05 dự án tại các cụm, điểm công nghiệp.

Giá trị sản xuất ngành công nghiệp (giá CĐ 2010) ước đạt 5.248 tỷ đồng, bằng 131,1% kế hoạch năm, tăng 10,2% so với năm 2022.

Rà soát, lập phương án điều chỉnh Quy hoạch xây dựng vùng huyện đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Hoàn thành công tác phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng xã đến năm 2030. Chỉ đạo rà soát, hướng dẫn triển khai lập quy hoạch chi tiết xây dựng Trụ sở Đảng uỷ, HĐND, UBND cấp xã.

Giá trị sản xuất ngành xây dựng (giá CĐ 2010) ước đạt 830,0 tỷ đồng, tăng 13,5% so với năm 2022.

Triển khai công tác cải tạo, nâng cấp đường tỉnh 393, đoạn từ Km 14+00 đến Km15+362. Phối hợp hoàn thiện công tác chuẩn bị đầu tư, khởi công Dự án đầu tư xây dựng đường trục Bắc Nam huyện Thanh Miện; đẩy nhanh tiến độ thi công Đường trục Đông Tây của tỉnh, đoạn qua địa bàn huyện, đường vành đai phía Đông Bắc thị trấn Thanh Miện. Hoàn thành công tác đầu tư xây dựng và đưa vào khai thác đường huyện 195, đoạn từ Km 4+300 đến Km7+800; đường huyện Bình Xuyên - Ngô Quyền - Tân Trào; đường xã Hồng Phong, đoạn nối từ đường tỉnh 392B đến đường huyện Cao Thắng - Tiền Phong. Hoạt động dịch vụ, thương mại tiếp tục duy trì được tốc độ tăng trưởng khá; mạng lưới phát triển rộng khắp; nguồn cung hàng hoá dồi dào, đáp ứng tốt nhu cầu cho sản xuất và tiêu dùng của Nhân dân.

Giá trị sản xuất ngành dịch vụ ước đạt 1.804 tỷ đồng, tăng 12,6%; ngành thương mại ước đạt 1.186 tỷ đồng, tăng 13% so với năm 2022 so với năm 2022.

- Tài chính, tín dụng: Tổng thu ngân sách nhà nước năm 2023 ước đạt 338,116 tỷ đồng, bằng 107,2% dự toán giao, giảm 19,7% so với năm 2022. Tổng chi ngân sách huyện năm 2023 ước đạt 537,860 tỷ đồng, bằng 99,2% dự toán được giao. Các ngân hàng, quỹ tín dụng tiếp tục thực hiện tốt chính sách cho vay hỗ trợ người dân, doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh.

- Tài nguyên và Môi trường: Tập trung chỉ đạo thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, lập hồ sơ thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất, giao đất, cho thuê đất đối với 14 dự án, công trình trọng điểm trên địa bàn huyện, tổng diện tích 260,436 ha. Chỉ đạo các xã, thị trấn tăng cường kiểm tra, xử lý, xử phạt vi phạm hành chính đối với các trường hợp vi phạm về bảo vệ môi trường theo quy định.

1.2. Văn hóa - Xã hội

- Công tác văn hóa, thông tin, thể thao, du lịch: Bố trí kinh phí hỗ trợ các các xã xây mới, sửa chữa các Nhà văn hóa và tăng cường cơ sở vật chất, nâng cấp hệ thống thiết chế văn hóa ở thôn, khu dân cư. Phối hợp tổ chức Ngày sách và văn hóa đọc Việt Nam tỉnh Hải Dương năm 2023. Tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ về công nghệ số, kỹ năng số, hỗ trợ đưa sản phẩm nông nghiệp lên Sàn thương mại điện tử.

- Công tác Giáo dục và Đào tạo: Chất lượng giáo dục toàn diện ở các cấp học không ngừng được nâng lên, kết quả thi vào lớp 10 THPT, thi học sinh giỏi cấp tỉnh các môn văn hóa khối THCS và các môn văn hóa lớp 10, lớp 12 của khối THPT năm học 2022 - 2023 xếp trong tốp đầu của tỉnh. Toàn huyện có 48/52 trường mầm non, tiểu học, THCS đạt chuẩn quốc gia, đạt 92,3%.

- Công tác y tế: Duy trì tốt công tác khám, điều trị, chăm sóc sức khỏe Nhân dân. Chỉ đạo 06 xã (Lê Hồng, Hồng Quang, Đoàn Tùng, Phạm Kha, Lam Sơn, Chi Lăng Nam) đăng ký, xây dựng hoàn thành đạt “Bộ tiêu chí Quốc gia về y tế xã giai đoạn đến năm 2030”. Tỷ lệ sinh con thứ 3(+) là 25,5%, giảm 3,4% so với 2022; tỷ số giới tính khi sinh là 120 bé trai/100 bé gái, giảm 17,9 điểm % so với năm 2022.

- Thực hiện các chính sách xã hội, lao động, việc làm: Phối hợp với các trung tâm tổ chức triển khai thực hiện công tác xuất khẩu lao động sang nước ngoài. Thực hiện có hiệu quả công tác chăm lo cho người có công và thân nhân người có công với cách mạng. Tỷ lệ hộ nghèo là 1,88%, giảm 0,59% so với năm 2022, tỷ lệ hộ cận nghèo 1,95%, giảm 0,63% so với năm 2022. Tỷ lệ lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm xã hội khoảng 45,3%; tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế khoảng 92,6% dân số.

 

Ảnh: Hội Phật giáo tỉnhh hỗ trợ nhà Đại đoàn kết ở thôn Từ Xá, xã Đoàn Kết

1. 3. Công tác nội chính, phòng, chống tham nhũng và cải cách tư pháp

Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn được giữ vững; tội phạm về trật tự xã hội giảm; các giải pháp bảo đảm trật tự an toàn giao thông được tăng cường; thực hiện có hiệu quả Đề án 06 của Chính phủ. Duy trì nghiêm chế độ sẵn sàng chiến đấu; hoàn thành công tác tuyển quân năm 2023; tổ chức tốt diễn tập chiến đấu, diễn tập bảo đảm tác chiến phòng thủ huyện, diễn tập ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; công tác huấn luyện, kiểm tra, diễn tập,... được triển khai thực hiện theo đúng kế hoạch. Công tác tiếp dân, giải quyết đơn thư khiếu nại tố cáo được thực hiện nghiêm túc; hoàn thành các cuộc thanh tra theo kế hoạch; làm tốt công tác tư pháp, thi hành án.

 

Ảnh: Một buổi hành quân dã ngoại huấn luyện kết hợp công tác dân vận của BCH quân sự huyện (tháng 12/2023)

2. Công tác xây dựng Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội

2.1.Công tác xây dựng Đảng

- Công tác chính trị, tư tưởng: Cấp ủy huyện và cơ sở đã chỉ đạo quán triệt và triển khai thực hiện nghiêm túc các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương, của tỉnh và huyện; trọng tâm là Hội nghị học tập, quán triệt, triển khai Kết Luận số 57- KL/TW của Bộ Chính trị và các nghị quyết Hội nghị Trung ương 8 khóa XIII; sơ kết giữa nhiệm kỳ các đề án, kế hoạch thực hiện nghị quyết đại hội đảng các cấp, nhiệm kỳ 2020 - 2025. Tập trung lãnh đạo thực hiện các công việc đột phá đồng bộ ở các cấp, các ngành trong huyện. Sơ kết 02 năm thực hiện Kết luận số 01-KL/TW, ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị.

- Công tác tổ chức, cán bộ: Chỉ đạo, hướng dẫn các tổ chức cơ sở đảng thực hiện nghiêm túc công tác kiểm điểm, đánh giá, phân tích chất lượng tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên cuối năm. Thực hiện có hiệu quả các giải pháp phát triển đảng viên mới; kết nạp 150 quần chúng ưu tú vào Đảng (đạt 100% kế hoạch). Kiện toàn bổ sung Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ huyện, nhiệm kỳ 2020 - 2025; bổ nhiệm 07 đồng chí, bổ nhiệm lại 06 đồng chí; điều động, luân chuyển 15 đồng chí; hiệp y với ngành dọc cấp trên về công tác cán bộ đối với 23 đồng chí thuộc cơ quan ngành dọc đóng trên địa bàn huyện.

- Công tác kiểm tra, giám sát: Cấp ủy huyện đã hoàn thành 02 cuộc kiểm tra; 02 cuộc giám sát theo chương trình. Cấp ủy cơ sở kiểm tra 117 chi bộ, 133 đảng viên; giám sát 132 đảng viên, 92 tổ chức đảng. Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với 08 đảng viên, 03 tổ chức đảng; kiểm tra tổ chức đảng cấp dưới thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật trong Đảng đối với 05 tổ chức đảng; giám sát 07 đảng viên diện Huyện ủy quản lý, 02 tổ chức đảng. Cấp ủy hai cấp và chi bộ thi hành kỷ luật 26 đảng viên.

- Công tác dân vận: Ban Dân vận Huyện ủy tham mưu giúp cấp ủy huyện tổ chức hội nghị triển khai Kế hoạch số 114-KH/HU, ngày 14/02/2023 và Kế hoạch số 122-KH/HU, ngày 16/3/2023 của Ban Thường vụ Huyện ủy về công việc đột phá năm 2023; đồng thời đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện công việc đột phá. Tổ chức 03 hội nghị tiếp xúc đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền huyện với nhân dân năm 2023; đồng chí Bí thư Huyện ủy tiếp xúc đối thoại với quân, dân, chính, đảng ở 10 thôn; hoàn thành kiểm tra việc thực hiện Quy chế số 03-QC/TU, ngày 18/3/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy đối với 04 xã.

2.2. Công tác xây dựng và củng cố chính quyền

Đẩy mạnh công tác chuyển đổi số và làm tốt cải cách thủ tục hành chính. Tổ chức giao chỉ tiêu, biên chế, số lượng người làm việc cho các phòng chuyên môn, các đơn vị sự nghiệp thuộc UBND huyện năm 2023. Xây dựng Đề án vị trí việc làm trong các cơ quan hành chính Nhà nước và đơn vị sự nghiệp thuộc huyện. Thực hiện tốt công tác Thi đua, khen thưởng và quan tâm, chỉ đạo các hoạt động Tôn giáo trên địa bàn.

2.3. Hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội: Tích cực tuyên truyền thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động. Tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên, nhân dân đẩy mạnh phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội, giữ vững an ninh chính trị ở cơ sở và các nhiệm vụ của địa phương; nâng cao chất lượng các phong trào thi đua, các cuộc vận động; duy trì và phát triển các loại quỹ hỗ trợ, tín chấp với ngân hàng cho đoàn viên, hội viên vay vốn phát triển kinh tế; đẩy mạnh công tác kết nạp hội viên, đoàn viên, bồi dưỡng, giới thiệu quần chúng ưu tú cho Đảng xem xét, kết nạp. Phối hợp tuyên truyền, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện Kế hoạch số 114-KH/HU, ngày 14/02/2023 và Kế hoạch số 122-KH/HU, ngày 16/3/2023 của Ban Thường vụ Huyện ủy về công việc đột phá. Chỉ đạo tổ chức thành công Đại hội Hội Nông dân, Đại hội Công đoàn hai cấp huyện và cơ sở, nhiệm kỳ 2023 - 2028; chuẩn bị tổ chức Đại hội MTTQ cấp cơ sở.

 

Ảnh: Khen thưởng cho các tập thể, cá nhân Hội phụ nữ có thành tích năm 2023

3. Một số hạn chế

- Tiến độ xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu còn chậm, nguồn lực của địa phương đầu tư xây dựng các công trình khó khăn nên có biểu hiện chững lại.

- Công tác bồi thường GPMB một số dự án chưa đáp ứng được yêu cầu. Tiến độ lập, hoàn thiện Quy hoạch chung xây dựng đến năm 2030 của một số xã còn chậm. Khoản thu tiền sử dụng đất của ngân sách cấp xã năm 2023 dự kiến không đạt kế hoạch.

- Việc triển khai thực hiện kế hoạch xây mới, sửa chữa các Nhà văn hóa thôn/KDC đăng ký năm 2023 ở một số xã còn chậm. Tiến độ xây dựng trường THCS đạt chuẩn Quốc gia mức độ 2 còn chậm so với mục tiêu đặt ra. Việc giải quyết những vướng mắc về chế độ, chính sách cho Người có công với cách mạng còn gặp khó khăn.

- Tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản sử dụng công nghệ cao vẫn còn xảy ra, tai nạn giao thông tăng. Công tác tiếp công dân ở một số xã chưa thật sự được quan tâm, việc giải quyết đơn, thư tại cơ sở chưa triệt để, dẫn đến việc người dân kiến nghị, phản ánh vượt cấp. Việc thực hiện kiến nghị trong Kết luận thanh tra tại một số địa phương còn chậm.

- Kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ công trực tuyến ở một số cơ quan, đơn vị còn hạn chế. Kết quả chuyển đổi số còn chậm. Việc chấp hành quy định của pháp luật trong quá trình thực thi nhiệm vụ của một số cán bộ, công chức chưa nghiêm.

- Tiến độ sơ kết giữa nhiệm kỳ một số đề án, kế hoạch thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2020 - 2025 còn chậm.

- Việc đổi mới, nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền còn hạn chế, nhất là tuyên truyền định hướng trên không gian mạng. Chất lượng một số cuộc kiểm tra, giám sát chuyên đề của các chi bộ trực thuộc đảng ủy cơ sở còn hạn chế. Công tác nắm bắt tình hình, tham mưu giúp cấp ủy trong công tác Dân vận có lúc, có việc còn chưa kịp thời.

- Công tác tuyên truyền, vận động của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội có mặt chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn. Chất lượng hoạt động của một số tổ chức Hội cơ sở không đồng đều.

III. NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM THÁNG 01 NĂM 2024

1. Tiếp tục chỉ đạo thực hiện tốt mùa vụ, cơ cấu trà giống lúa, diện tích gieo trồng cây rau màu; đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào các khâu của quá trình sản xuất. Phát triển mạnh đàn gia súc, gia cầm và diện tích nuôi trồng thủy sản, chú trọng công tác phòng chống dịch bệnh. Xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu tập thể cho các sản phẩm nông sản chủ lực; phấn đấu hằng năm có ít nhất từ 01 - 03 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP 03 sao trở lên.

2. Chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ triển khai, tổ chức thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu giai đoạn 2021 - 2025, tích cực tuyên truyền, quán triệt tạo sự đồng thuận cao của đảng viên và Nhân dân.

3. Hoàn thiện hồ sơ, đề nghị bổ sung Khu công nghiệp Thanh Miện 1 và Khu công nghiệp Thanh Miện 2 vào Quy hoạch phát triển các khu công nghiệp ở Việt Nam. Tổ chức phê duyệt Quy hoạch chi tiết, lập Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng kỹ thuật Cụm công nghiệp Tứ Cường, Cụm công nghiệp Tứ Cường - Chi Lăng Bắc; điều chỉnh Quy hoạch chi tiết xây dựng Cụm công nghiệp Ngũ Hùng - Thanh Giang, Cụm công nghiệp Đoàn Tùng 2.

4. Điều chỉnh Quy hoạch xây dựng vùng huyện đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; quy hoạch chung xây dựng các xã, thị trấn sau khi được phê duyệt. Phối hợp với các đơn vị liên quan hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng, đẩy nhanh tiến độ thi công dự án Đầu tư xây dựng đường trục Bắc - Nam của huyện (giai đoạn 1); đường trục Đông - Tây của tỉnh, đoạn qua địa bàn huyện; đường vành đai phía Đông Bắc thị trấn Thanh Miện. Tổ chức khởi công dự án Cải tạo, nâng cấp đường tỉnh 392B, đoạn từ Km0+00 đến Km1+700.

5. Khuyến khích, tạo điều kiện để thúc đẩy các hoạt động dịch vụ trên địa bàn huyện. Khai thác có hiệu quả hệ thống cơ sở vật chất thương mại đã được đầu tư. Đầu tư cải tạo, nâng cấp chợ Dao, chợ Hôm và chợ Thanh Giang theo kế hoạch.

6. Chỉ đạo quyết liệt công tác thu ngân sách Nhà nước; tiếp tục rà soát, khai thác, quản lý chặt chẽ các nguồn thu; phấn đấu thu ngân sách Nhà nước năm 2024 hoàn thành vượt mức dự toán tỉnh giao. Xây dựng, phân bổ dự toán chi ngân sách đúng quy định và tiết kiệm, hiệu quả.

7. Tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, thu hồi đất đối với các dự án, công trình của tỉnh, của huyện đang triển khai và để giao đất, cho thuê đất đối với dự án đầu tư tại huyện. Tiếp tục rà soát, tổng hợp, giải quyết các tồn tại, vướng mắc về đất đai. Chỉ đạo làm tốt công tác vệ sinh môi trường; xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường theo quy định.

8. Tiếp tục bố trí từ ngân sách huyện để hỗ trợ và chỉ đạo các xã, thị trấn làm tốt công tác huy động nguồn lực để xây mới, sửa chữa các Nhà văn hóa thôn, khu dân cư. Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, nâng cấp trang thiết bị y tế tại Trung tâm Y tế huyện và Trạm Y tế cấp xã. Giữ vững và nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, chất lượng dạy học môn Tiếng Anh, chất lượng học sinh giỏi, chất lượng tuyển sinh đầu vào lớp 10 THPT, thi tốt nghiệp THPT năm 2024; tiếp tục xây dựng và nâng cao chất lượng trường đạt chuẩn Quốc gia. Tăng cường các hoạt động đền ơn, đáp nghĩa và thực hiện tốt các chế độ, chính sách đối với người có công, các đối tượng bảo trợ xã hội.

9. Thực hiện tốt công tác tuyển chọn, gọi công dân nhập ngũ năm 2024. Nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa tội phạm; các cao điểm tấn công trấn áp tội phạm; tiếp tục triển khai thực hiện Đề án 06 của Chính phủ. Thực hiện nghiêm công tác tiếp công dân; tiếp nhận, phân loại, xử lý, theo dõi đơn thư ngay từ cơ sở. Triển khai thực hiện kế hoạch thanh tra thường xuyên, thanh tra đột xuất. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật; công tác hòa giải ở cơ sở. Tăng cường công tác thi hành án dân sự.

10. Nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu và cán bộ, công chức trong việc thực hiện cải cách hành chính tại địa phương, đơn vị. Xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch tuyển dụng viên chức các đơn vị sự nghiệp Giáo dục và Đào tạo. Tiếp tục thực hiện tốt các chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức theo quy định.

11. Chỉ đạo và tổ chức học tập, quán triệt, cũng như sơ kết, tổng kết kịp thời các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương, của Tỉnh ủy; triển khai thực hiện có hiệu quả các công việc đột phá năm 2024. Tổ chức tốt các hoạt động tuyên truyền các ngày lễ, kỷ niệm, sự kiện và nhiệm vụ chính trị trong năm.

12. Thực hiện tốt các khâu trong công tác cán bộ; thực hiện luân chuyển cán bộ diện Ban Thường vụ Huyện ủy quản lý theo kế hoạch của Huyện ủy. Xây dựng và triển khai thực hiện Kế hoạch về tổ chức đại hội đảng cấp cơ sở tiến tới Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2025 -2030 khi có hướng dẫn của tỉnh.

13. Xây dựng và thực hiện có hiệu quả chương trình kiểm tra, giám sát năm 2024 của cấp ủy, ủy ban kiểm tra 2 cấp và theo yêu cầu của Tỉnh ủy. Kịp thời kiểm tra tổ chức đảng, đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm. Tăng cường thực hiện nhiệm vụ giám sát. Thi hành kỷ luật tổ chức đảng và đảng viên vi phạm kỷ luật bảo đảm kịp thời.

14. Chỉ đạo khối dân vận tăng cường sâu sát cơ sở, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của quần chúng nhân dân trên các lĩnh vực; kịp thời đề xuất, kiến nghị giải quyết các vấn đề vướng mắc phát sinh, góp phần giữ vững ổn định chính trị từ huyện đến cơ sở. Tiếp tục thực hiện tốt Quy chế tiếp xúc đối thoại của người đứng đầu cấp ủy đảng, chính quyền các cấp với nhân dân trên địa bàn huyện.

15. Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội phối hợp chặt chẽ trong việc xây dựng chương trình, kế hoạch sát với nhiệm vụ của hội, địa phương. Tăng cường đối thoại trực tiếp với dân và các hoạt động giám sát và phản biện xã hội; thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở; nâng cao chất lượng, hiệu quả các cuộc vận động, phong trào thi đua và chất lượng hoạt động của tổ chức Hội cơ sở. Đổi mới công tác tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên. Lãnh đạo tổ chức tốt Đại hội MTTQ hai cấp huyện và cơ sở, nhiệm kỳ 2024 - 2029.

   IV. THÔNG TIN CHUYÊN ĐỀ

   Khái quát Quy hoạch vùng tỉnh Hải Dương đến năm 2030 tầm nhìn đến 2050

   Ngày 19/12/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1639/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tỉnh Hải Dương thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Phạm vi lập quy hoạch bao gồm toàn bộ diện tích tự nhiên tỉnh Hải Dương, quy mô 1.668,28 km2 gồm 12 đơn vị hành chính cấp huyện trực thuộc (02 thành phố, 01 thị xã và 09 huyện); 235 đơn vị hành chính cấp xã (47 phường, 178 xã và 10 thị trấn).

   Mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể về kinh tế: Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân đạt khoảng 9,5%/năm. GRDP bình quân đầu người (theo giá hiện hành) đạt trên 180 triệu đồng. Tỷ lệ đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng kinh tế đạt 50%; tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân đạt 8,5%/năm; tỷ trọng kinh tế số chiếm 35% GRDP; huy động vốn đầu tư toàn xã hội cả thời kỳ khoảng 582 nghìn tỷ đồng.

   Về xã hội: Quy mô dân số đạt khoảng 2,55 triệu người với dân số tăng bình quân khoảng 2,9%/năm. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 90%, trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 48%. Tỷ lệ trường chuẩn quốc gia phấn đấu các cấp mầm non đạt trên 90%; tiểu học đạt 100%; trung học cơ sở đạt trên 95%; trung học phổ thông đạt trên 90%.

Tầm nhìn đến năm 2050, Hải Dương đạt tiêu chí của thành phố trực thuộc trung ương; thành phố hiện đại, xanh, thông minh, an ninh, an toàn, bền vững, hội nhập quốc tế sâu rộng, giàu bản sắc văn hóa xứ Đông và là động lực quan trọng thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bằng sông Hồng.

   04 trụ cột phát triển công nghiệp của Hải Dương

   Về phương hướng phát triển ngành công nghiệp, Quyết định nêu rõ, phát triển công nghiệp theo 4 trụ cột chính, bao gồm:

   (i) Tập trung mở rộng và nâng cao chuỗi giá trị, tận dụng liên kết vùng cho các ngành công nghiệp chủ lực;

   (ii) Xây dựng năng lực cạnh tranh chiến lược, tiến tới phát triển các ngành công nghiệp có tiềm năng trong tương lai;

   (iii) Tái cơ cấu các ngành công nghiệp giá trị sản xuất nhỏ;

   (iv) Xây dựng Hải Dương thành trung tâm công nghiệp động lực của vùng đồng bằng sông Hồng, gắn với khu kinh tế chuyên biệt, khu công nghiệp hiện đại.

   Phát triển công nghiệp theo 03 vùng:

   (i) Vùng công nghiệp động lực (lõi trung tâm) tại huyện Bình Giang, huyện Thanh Miện; Huyện Thanh Miện 06 cụm công nghiệp (Đoàn Tùng 1, Đoàn Tùng 2; Ngũ Hùng - Thanh Giang; Cao Thắng; Tứ Cường; Tứ Cường - Chi Lăng Bắc), 02 khu công nghiệp (Thanh Miện 1: 200 ha, Thanh Miện 2: 200 ha).

 

Ảnh: Cụm Công nghiệp Đoàn Tùng (dự kiến đến 2030 Thanh Miện có 02 Khu công nghiệp và 06 Cụm Công nghiệp

   (ii) Vùng công nghiệp hỗ trợ tại thành phố Hải Dương, huyện Gia Lộc, huyện Cẩm Giàng;

   (iii) Vùng công nghiệp nặng, chế biến nông lâm thủy sản và năng lượng sạch tại thành phố Chí Linh, thị xã Kinh Môn, huyện Kim Thành, huyện Nam Sách, huyện Thanh Hà, huyện Tứ Kỳ và một phần huyện Ninh Giang.

   Đưa Hải Dương trở thành trung tâm sản xuất, chế biến nông sản

   Theo Quy hoạch, phát triển nông nghiệp theo 6 vùng:

(i) Vùng canh tác rau vụ đông tại huyện Cẩm Giàng, huyện Nam Sách, thị xã Kinh Môn;

(ii) Vùng cây ăn quả chủ lực tại huyện Thanh Hà và thành phố Chí Linh;

(iii) Vùng nông nghiệp công nghệ cao, hữu cơ tại huyện Ninh Giang, huyện Tứ Kỳ, huyện Gia Lộc;

(iv) Vùng trồng lúa tập trung chất lượng cao tại huyện Thanh Miện, huyện Bình Giang;

(v) Vùng chăn nuôi chủ lực tại huyện Cẩm Giàng, huyện Thanh Hà, huyện Gia Lộc và thành phố Chí Linh;

(vi) Vùng nuôi trồng thuỷ sản tại huyện Tứ Kỳ, huyện Thanh Miện, huyện Ninh Giang, huyện Kim Thành, huyện Bình Giang, huyện Gia Lộc, huyện Cẩm Giàng, huyện Nam Sách, thị xã Kinh Môn và thành phố Chí Linh.

   Phát triển hệ thống đô thị của tỉnh với 28 đô thị

   Về phương án quy hoạch hệ thống đô thị, Quy hoạch nêu rõ, phát triển hệ thống đô thị của tỉnh với 28 đô thị, trong đó: 14 đô thị hiện hữu và thêm mới 14 đô thị, bao gồm: 01 đô thị loại I là thành phố Hải Dương; 01 đô thị loại II là thành phố Chí Linh; 01 đô thị loại III là thị xã Kinh Môn (dự kiến thành lập thành phố); 07 đô thị loại IV; 18 đô thị loại V trong đó có 04 đô thị hiện hữu, 02 đô thị đã được công nhận mới, 12 đô thị nâng cấp trên cơ sở nâng cấp các xã nông thôn. Thanh Miện xây dựng 03 đô thị (Thị trấn; Đoàn Tùng - Thanh Tùng; Tứ Cường - Cao Thắng)

   V. MỘT SỐ VĂN BẢN MỚI

   1. Nghị quyết số 18/2023/NQ-HĐND ngày 08/12/2023 của Hội đồng nhân dân tỉnh Hải Dương về việc hỗ trợ một lần và hỗ trợ mức đóng bảo hiểm y tế cho đảng viên được tặng Huy hiệu 40 năm tuổi Đảng trên địa bàn tỉnh Hải Dương.

   Theo đó, mức hỗ trợ một lần là 5 triệu đồng/người, gồm: đảng viên được tặng huy hiệu 40 năm tuổi Đảng đang sinh hoạt trong các tổ chức cơ sở đảng ở xã, phường, thị trấn không được hưởng chế độ hưu trí, trợ cấp bảo hiểm xã hội thường xuyên và trợ cấp xã hội hằng tháng người có công với cách mạng, thân nhân liệt sĩ được hưởng trợ cấp ưu đãi hằng tháng và không được hưởng chế độ hưu trí.

   Hỗ trợ 100% mức đóng bảo hiểm y tế cho đảng viên đã được tặng huy hiệu từ 40 năm tuổi Đảng trở lên đang sinh hoạt trong các tổ chức cơ sở đảng ở xã, phường, thị trấn chưa được hưởng chế độ hưu trí, trợ cấp bảo hiểm xã hội thường xuyên, trợ cấp xã hội hằng tháng và chưa được ngân sách nhà nước hỗ trợ 100% mức đóng bảo hiểm y tế. Các đối tượng đã có thẻ bảo hiểm y tế sẽ được hưởng mức hỗ trợ sau khi thẻ bảo hiểm y tế của đối tượng hết hạn.

   2. Bổ sung nhóm đối tượng được ngân sách Nhà nước đóng bảo hiểm y tế
   Có hiệu lực từ ngày 03/12/2023, Nghị định 75/2023/NĐ-CP ngày 19/10/2023 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 146/2018/NĐ-CP ngày 17/10/2018 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn biện pháp thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm y tế.
   Trong đó, Nghị định 75/2023/NĐ-CP đã bổ sung nhóm đối tượng được ngân sách Nhà nước đóng bảo hiểm y tế là: Người dân các xã an toàn khu, vùng an toàn khu cách mạng trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ hiện đang thường trú tại các xã an toàn khu cách mạng đã được cập nhật thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
   Đồng thời, Nghị định bổ sung khoản 5 vào sau khoản 4 Điều 4 Nghị định 146/2018/NĐ-CP nhóm được ngân sách nhà nước hỗ trợ mức đóng bảo hiểm y tế, gồm: Người dân tộc thiểu số đang sinh sống tại địa bàn các xã khu vực II, khu vực III, thôn đặc biệt khó khăn thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2016-2020 mà các xã này không còn trong danh sách các xã khu vực II, khu vực III, thôn đặc biệt khó khăn thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025 theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
   3. Quy trình tiếp nhận, xử lý tin báo, tố giác hành vi bạo lực gia đình qua Tổng đài
   Nghị định 76/2023/NĐ-CP ngày 01/11/2023 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Phòng, chống bạo lực gia đình có hiệu lực từ ngày 25/12/2023.
   Nghị định nêu rõ, Tổng đài điện thoại quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình (Tổng đài) sử dụng số điện thoại ngắn có 3 chữ số để tiếp nhận, xử lý tin báo, tố giác về hành vi bạo lực gia đình.
   Tổng đài hoạt động 24 giờ tất cả các ngày để tiếp nhận tin báo, tố giác về hành vi bạo lực gia đình, được Nhà nước bảo đảm nguồn lực hoạt động. Tổng đài thực hiện ghi âm tự động và chi trả phí viễn thông đối với tất cả các cuộc gọi đến, gọi đi.
   Quy trình tiếp nhận, xử lý tin báo, tố giác về hành vi bạo lực gia đình qua Tổng đài như sau:
   Người bị bạo lực gia đình hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân khi phát hiện hành vi bạo lực gia đình thì gọi đến số điện thoại của Tổng đài để báo tin, tố giác về hành vi bạo lực gia đình.
   Người tiếp nhận tin báo, tố giác về hành vi bạo lực gia đình qua số điện thoại của Tổng đài thực hiện ghi chép nội dung thông tin tiếp nhận, đồng thời thực hiện tư vấn tâm lý, cung cấp kỹ năng ứng phó với hành vi bạo lực gia đình.
   Ngay sau khi kết thúc việc tiếp nhận tin báo, tố giác hành vi bạo lực gia đình, người tiếp nhận phải thông báo cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã nơi được thông tin xảy ra hành vi bạo lực gia đình để giải quyết theo quy định của pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình.
   Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã tiếp nhận thông báo, xử lý tin báo, tố giác về hành vi bạo lực gia đình theo quy định. Trường hợp tin báo, tố giác về hành vi bạo lực gia đình mà người bị bạo lực gia đình là trẻ em thì việc xử lý theo quy định của pháp luật về trẻ em.

4. Giao dịch từ 400 triệu đồng trở lên phải báo cáo Ngân hàng Nhà nước

Theo Quyết định 11/2023/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, từ 01/12/2023, mức giao dịch có giá trị lớn phải báo cáo là từ 400.000.000 đồng trở lên. Hiện nay, Quyết định 20/2013/QĐ-TTg quy định mức giá trị của giao dịch có giá trị lớn phải báo cáo là 300.000.000 đồng.

Đối tượng áp dụng là tổ chức tài chính; tổ chức, cá nhân kinh doanh ngành nghề phi tài chính có liên quan theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 4 Luật Phòng, chống rửa tiền.

5. Giảm tới 50% với 8 khoản phí, lệ phí khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến

Bộ Tài chính ban hành Thông tư 63/2023/TT-BTC sửa đổi, bổ sung một số điều của một số thông tư quy định về phí, lệ phí, nhằm khuyến khích sử dụng dịch vụ công trực tuyến.

Theo Thông tư, Bộ Tài chính giảm từ 10% đến 50% mức thu 8 khoản phí, lệ phí đến hết ngày 31/12/2025 khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến.

Cụ thể, có 4 khoản phí, lệ phí được giảm kể từ ngày 01/12/2023 đến hết ngày 31/12/2025 khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến như sau:

Tổ chức nộp hồ sơ đề nghị cấp phép sử dụng vật liệu nổ công nghiệp theo hình thức trực tuyến, áp dụng mức thu phí bằng 90% mức thu phí quy định tại Thông tư số 148/2016/TT-BTC.

Tổ chức, cá nhân nộp đơn, hồ sơ đề nghị cấp giấy phép tiến hành công việc bức xạ, áp dụng mức thu phí bằng 90% mức thu phí quy định tại Thông tư số 287/2016/TT-BTC.

Mức phí xác thực thông tin công dân, khai thác kết quả thông tin, áp dụng mức thu phí bằng 50% mức thu phí quy định tại Thông tư số 48/2022/TT-BTC.

Tổ chức, cá nhân nộp hồ sơ đề nghị cấp mới, cấp lại, cấp đổi giấy phép lái xe, áp dụng mức thu lệ phí là 115.000 đồng/lần cấp...

Bên cạnh đó, có 4 khoản phí, lệ phí được giảm kể từ ngày 01/01/2024 đến hết ngày 31/12/2025 khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến như sau:

Trường hợp đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp nộp hồ sơ đề nghị cấp gia hạn giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định kỹ thuật an toàn lao động, áp dụng mức thu phí bằng 90% mức thu phí quy định tại Thông tư số 245/2016/TT-BTC.

Trường hợp tổ chức, cá nhân nộp đơn, hồ sơ yêu cầu thực hiện công việc, dịch vụ bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp, áp dụng mức thu phí bằng 50% mức thu phí quy định tại Thông tư số 263/2016/TT-BTC.

Trường hợp công dân Việt Nam nộp hồ sơ đề nghị cấp hộ chiếu, áp dụng mức thu phí bằng 90% mức thu phí quy định tại Thông tư số 25/2021/TT-BTC.

Trường hợp tổ chức nộp hồ sơ đề nghị cấp chứng chỉ năng lực hoạt động xây dựng, cá nhân nộp hồ sơ đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng, áp dụng mức thu phí bằng 80% mức thu phí quy định tại Thông tư số 38/2022/TT-BTC.

Thông tư có hiệu lực từ ngày 01/12/2023. Các mức thu mới áp dụng từ 1/12/2023 đến 31/12/2025. Kể từ ngày 01/01/2026 trở đi, áp dụng mức thu lệ phí như hiện nay.

VI. SINH HOẠT TƯ TƯỞNG

1. Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh

Chủ đề năm 2024: Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Xứ Đông - Hải Dương theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh".

* Thời gian học tập: Chi bộ dành thời gian 30 phút để học tập chuyên đề.

* Người chủ trì: Đồng chí bí thư chi bộ.

* Cách thức tổ chức học tập

1. Bước 1, công tác chuẩn bị: Chi ủy họp, bàn thống nhất nội dung học tập chuyên đề của năm và quý I/2024, phân công chuẩn bị nội dung, tài liệu và điều hành phần học tập chuyên đề tháng 01/2024.

2. Bước 2, nội dung học tập chuyên đề

- Đánh giá khái quát việc học tập chuyên đề của chi bộ năm 2023 (Kết quả; hạn chế, yếu kém, nguyên nhân, biện pháp khắc phục).

- Căn cứ vào tài liệu học tập chuyên đề năm 2024; tháng 01/2024, các đồng chí bí thư chi bộ thông tin những nội dung cơ bản và đọc câu chuyện về Chủ tịch Hồ Chí Minh.

3. Bước 3, thống nhất việc làm theo

Đồng chí bí thư chi bộ kết luận; xác định nhiệm vụ, giải pháp làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong tháng 01/2024 và thống nhất nội dung học tập chuyên đề của chi bộ tháng 02/2024.

2. Gương người tốt, việc tốt

NGƯỜI NỮ CÁN BỘ KIỂM SÁT NĂNG ĐỘNG

Với chức năng thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp, Ngành kiểm sát nhân dân luôn đòi hỏi mỗi người cán bộ làm công tác thực hành quyền công tố luôn đòi hỏi ngoài việc giỏi về chuyên môn nghiệp vụ, còn đòi hỏi bản lĩnh vững vàng, sự quyết đoán mạnh mẽ. Bằng tinh thần trách nhiệm và tâm huyết với nghề nghiệp, đồng chí Trần Thị Chinh - Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương đã có nhiều cống hiến trong công tác xây dựng ngành Kiểm sát Hải Dương cũng như hình ảnh người cán bộ kiểm sát nhân dân.

Xuất thân từ vùng quê xã Cẩm Chế, huyện Cẩm Thủy, tỉnh Thanh Hóa, sau khi tốt nghiệp trường Đại học Luật Hà Nội, đồng chí đã làm nhiều công việc khác nhau, đến năm 2011 đồng chí thi đỗ vào ngành kiểm sát Hải Dương và được phân công về công tác tại Viện kiểm sát nhân dân huyện Thanh Miện từ đó đến nay.

Công tác đã được hơn 10 năm, từ chuyên viên tập sự đến Kiểm tra viên và Phó Viện trưởng, đồng chí luôn thể hiện đức tính cần mẫn, chịu khó nghiên cứu, học hỏi và có tinh thần cầu tiến nên được tập thể và lãnh đạo đơn vị đánh giá cao, được đồng nghiệp tin yêu, quý mến.

Trong công tác kiểm sát, đồng chí luôn thực hiện với tinh thần nghiêm túc, cẩn trọng hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ mà lãnh đạo đơn vị phân công. Khi được giao nhiệm vụ, không kể ngày đêm, thời tiết, khí hậu, đồng chí luôn có mặt kịp thời cùng với Cơ quan điều tra để kiểm sát quá trình khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi, tham gia lấy lời khai ban đầu. Đồng chí luôn miệt mài, trăn trở nghiên cứu từng bút lục để đề xuất lãnh đạo Viện Kiểm sát về quan điểm giải quyết đảm bảo đúng quy định của pháp luật, góp phần giúp Viện Kiểm sát nhân dân huyện Thanh Miện nhiều năm liền hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và được khen thưởng.

 

Ảnh: Đồng chí Trần Thị Chinh tại cuộc bắt, khám xét nơi làm việc của đối tượng vi phạm pháp luật bị khởi tố

Năm 2023, với cương vị mới là Phó Viện trưởng, đồng chí chủ động nhận những vụ án khó, phức tạp để trau dồi thêm kinh nghiệm chuyên môn. Ngoài ra, với vai trò là Chủ tịch Công đoàn, đồng chí luôn quan tâm đến đời sống vật chất và tinh thần đối với từng cán bộ, công chức, người lao động trong đơn vị; cùng với ban chấp hành công đoàn phối hợp với lãnh đạo đơn vị tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa cho đoàn viên công đoàn vào dịp kỷ niệm 20/10, 8/3, 1/6,... Không chỉ nỗ lực hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao. Trong mối quan hệ với bạn bè, đồng nghiệp, đồng chí luôn hòa đồng, gần gũi, sẵn sàng trao đổi kinh nghiệm, hướng dẫn cán bộ trẻ thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.

Những cống hiến của đồng chí Trần Thị Chinh đối với Viện kiểm sát nhân dân huyện Thanh Miện, đại diện cho lớp cán bộ năng động, tri thức và nhiệt huyết của ngành Kiểm sát là tấm gương tiêu biểu trong việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Chịu trách nhiệm nội dung

Đồng chí NHỮ VĂN CÚC - Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy

Ban biên tập

Đồng chí MAI ĐỨC THÀNH - Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy, Trưởng ban Tuyên giáo, Giám đốc Trung tâm Chính trị huyện - Trưởng ban

Đồng chí LÊ TUẤN HẢI - Huyện ủy viên, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Huyện ủy - Phó trưởng ban

Đồng chí LÊ NGỌC HÂN - Huyện ủy viên, Chánh Văn phòng Huyện ủy

Đồng chí AN ĐĂNG SÁNG - Huyện ủy viên, Trưởng phòng Tư pháp huyện

Đồng chí TRẦN HỮU TRÌNH - Trưởng Đài phát thanh huyện

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ HUYỆN THANH MIỆN

Trưởng Ban Biên tập: Ông Khổng Quốc Toản-Phó chủ tịch  UBND huyện Thanh Miện

Địa chỉ: Đường Nguyễn Lương Bằng, thị trấn Thanh Miện, huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương

Điện thoại: 0220 3 736562 - Fax:0220 3 736562

Email: ubnd.thanhmien@haiduong.gov.vn

Số lượt truy cập
Đang truy cập: 4
Hôm nay: 27
Tháng này: 15,971
Tất cả: 188,837