Từ ngày 20-21/7/2022, Tòa án nhân dân huyện Đức Hòa, tỉnh Long An đã mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án “Lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân” xảy ra tại “Tịnh thất Bồng Lai” (hay còn gọi là “Thiền am bên bờ vũ trụ”), xã Khánh Hòa Tây, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An. Kết quả xét xử: Lê Tùng Vân (90 tuổi) mức án 5 năm tù; Lê Thanh Nhất Nguyên (31 tuổi), Lê Thanh Hoàn Nguyên (30 tuổi), Lê Thanh Trùng Dương (27 tuổi) cùng mức án 4 năm tù; Lê Thanh Nhị Nguyên (24 tuổi) 3,5 năm tù và Cao Thị Cúc (62 tuổi) 3 năm tù cùng về tội danh “Lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”. Trong phần luận tội, đại diện Viện kiểm sát cho rằng, hành vi của các bị cáo là nghiêm trọng, ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội. Các bị cáo đã phạm tội có tổ chức nhưng tại phiên tòa không có ý thức khai báo, không có thái độ ăn năn để hưởng sự khoan hồng của pháp luật.
Ảnh: Phiên tòa xét xử vụ án
Lợi dụng phiên tòa xét xử, các thế lực thù địch, số đối tượng cực đoan trong các tôn giáo đã tiến hành các hoạt động chống phá, mượn danh nghĩa là những “nhà dân chủ đấu tranh vì tự do, nhân quyền tại Việt Nam” nhằm vu cáo chính quyền “đàn áp tôn giáo”, xuyên tạc quá trình điều tra, cho rằng các cơ quan tố tụng huyện Đức Hòa và tỉnh Long An đã có dấu hiệu vi phạm tố tụng nghiêm trọng trong việc thu thập, xác minh chứng cứ cần được điều tra làm rõ trước khi diễn ra phiên tòa sơ thẩm. Đáng chú ý, lợi dụng việc Tòa án nhân dân huyện Đức Hòa xét xử đối tượng Lê Tùng Vân xúc phạm Thượng tọa Thích Nhật Từ - Phó trưởng ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN) Tp Hồ Chí Minh (bị hại của vụ án), các đối tượng chống đối trong và ngoài nước đã vu cáo, bôi nhọ hình ảnh tu sĩ Phật giáo và GHPGVN, cho rằng “GHPGVN là Giáo hội quốc doanh, do Nhà nước đứng sau điều hành”…
Sự thật về “Tịnh thất Bồng Lai” bắt đầu từ việc “biến nhà thành chùa” gắn với vị “trụ trì” Lê Tùng Vân - người tự nhận là “Thầy ông nội’ hay “Đại đức Thích Tâm Đức”. Đáng nói là Lê Tùng Vân chưa từng tu hành ở chùa nào, từ An Giang lên Tp Hồ Chí Minh rồi bắt đầu hành vi “lừa từ thiện” bằng chiêu trò nuôi trẻ mồ côi, từng bị chính quyền phanh phui tụ điểm hoạt động không phép. Năm 2014, Vân đứng đầu “Tịnh thất Bồng Lai” tự nhận là cơ sở tự viện, tổ chức hoạt động tôn giáo, kêu gọi từ thiện,... đã khiến một bộ phận không nhỏ dư luận địa phương bức xúc, ngạc nhiên, trở thành một “điểm nóng” về an ninh trật tự. Thực tế, những đứa trẻ được giới thiệu là “chú tiểu”, trẻ mồ côi,... sự thật là đang sống cùng mẹ ruột, có giấy tờ khai sinh rõ ràng. Ngày 05/11/2021, Ban Tôn giáo Chính phủ đã kết luận: “Tịnh thất Bồng Lai” không phải là cơ sở tự viện hợp pháp do Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Long An quản lý.
Theo báo cáo của UBND tỉnh Long An và qua điều tra làm đã rõ, cơ sở trên có những sai phạm: các công trình xây dựng đều do cá nhân đứng tên và xây dựng trên đất ở nông thôn; bà Cao Thị Cúc là chủ cơ sở trên đã sử dụng đất trồng lúa vào mục đích khác không được cơ quan có thẩm quyền cho phép; UBND xã cũng đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính và buộc bà Cúc khôi phục tình trạng ban đầu của đất. Theo Ban Tôn giáo Chính phủ, vụ việc này có dấu hiệu lợi dụng tôn giáo để trục lợi, mặc dù chủ cơ sở khẳng định chỉ thờ tượng Phật tại gia, không phải sinh hoạt tôn giáo. Quá trình xét xử sơ thẩm vụ án xảy ra tại “Tịnh thất Bồng Lai” đã được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật, đảm bảo nguyên tắc tranh tụng công khai, dân chủ và làm rõ sự thật về những sai phạm tại “Tịnh thất Bồng Lai”. Nếu không đồng ý với bản án sơ thẩm, các bị cáo hoàn toàn có quyền kháng cáo đến toà án cấp trên trực tiếp. Vì vậy, chẳng có lý do gì để các “nhà dân chủ” vu khống rằng việc xét xử là thiếu công bằng, bản án được đưa ra là “bất công”, “phi lý”!
Thời gian qua đã xuất hiện các nhóm, tổ chức mang màu sắc tôn giáo tương tự nhóm “Tịnh thất Bồng Lai” gây phức tạp tình hình an ninh trật tự, như: Long Hoa Di Lặc, Hội thánh Đức Chúa Trời Mẹ, đạo “Mẹ Hiền”... Các nhóm này mượn danh nghĩa, hình ảnh, giáo lý, giáo luật của các tổ chức tôn giáo đã được Nhà nước công nhận và cho phép hoạt động (Phật giáo, Công giáo,…), “tâm linh” liên quan đến Chủ tịch Hồ Chí Minh… để tuyên truyền, lôi kéo người dân tham gia, ủng hộ hoạt động; lợi dụng yếu tố “thần quyền” để lừa bịp người dân bằng những hoạt động mang yếu tố phản khoa học, kêu gọi các “tín đồ” đóng góp tiền bạc, vật chất để làm từ thiện nhưng thực chất là nhằm tư lợi, dùng luận điệu mê tín dị đoan để lừa bịp thực hiện các hành vi dâm ô, tổ chức tụ tập đông người, kích động biểu tình, phản đối chính quyền khi bị xử lý… Đây là những hoạt động vi phạm pháp luật, tác động tiêu cực đến đời sống, việc làm, hạnh phúc và sức khỏe nhân dân, ảnh hưởng xấu đến văn hóa truyền thống của dân tộc, mất uy tín của các tổ chức tôn giáo đã được công nhận tư cách pháp nhân.
Trên địa bàn huyện Thanh Miện hiện có 02 tôn giáo chính được Nhà nước cho phép hoạt động và bảo vệ gồm: Phật giáo và Công giáo. Đảng, Nhà nước ta tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người dân. Các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật, không ai được phép xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để vi phạm pháp luật, xúc phạm đến tổ chức, cá nhân. Tuy nhiên, tự do tôn giáo phải đi liền với tôn trọng pháp luật. Bản chất của “Tịnh thất Bồng Lai” là hoạt động lợi dụng tôn giáo để trục lợi, việc thành lập và hoạt động của cơ sở này trái quy định của pháp luật, không đúng với quy tắc của GHPGVN. Do vậy, cảnh giác trước những luận điệu xuyên tạc về vụ án tại “Tịnh thất Bồng Lai” và trước dụ dỗ, lôi kéo tham gia các tổ chức, hội nhóm mang màu sắc tôn giáo không chính thống cũng chính là tự bảo vệ cuộc sống của mỗi chúng ta.
Văn Tú - Công an huyện Thanh Miện.