Mục đích của đợt tổng rà soát, kiểm tra an toàn PCCC nhằm nắm tình hình, đánh giá đúng thực trạng về công tác PCCC và CNCH đối với tất cả các cơ sở thuộc diện quản lý về PCCC; để có biện pháp quản lý nhà nước về PCCC và CNCH, khắc phục các tồn tại về PCCC và CNCH của các cơ sở, ngăn chặn, đẩy lùi, tiến tới chấm dứt xảy ra cháy gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, làm chết người do nguyên nhân chủ quan. Chấm dứt ngay tình trạng cơ sở không đủ điều kiện an toàn PCCC và CNCH.
Qua công tác kiểm tra, xử lý 100% hành vi vi phạm về PCCC và CNCH, kiên quyết tạm đình chỉ, đình chỉ hoạt động theo đúng quy định tại Nghị định 136/2020/NĐ-CP. Đối với cơ sở kinh doanh ngành nghề có điều kiện không đảm bảo an toàn về PCCC và CNCH sẽ yêu cầu các cơ quan chức năng thu hồi giấy phép ANTT và giấy phép kinh doanh, yêu cầu, bắt buộc các cơ sở đã đưa vào hoạt động phải khắc phục tất cả các tồn tại, vi phạm về PCCC và CNCH; tổ chức thực hiện nghiêm túc, đầy đủ, duy trì liên tục các điều kiện an toàn về PCCC và CNCH trong quá trình hoạt động.
Đối với cán bộ, công chức, viên chức, cơ quan tổ chức có người thân tham gia kinh doanh, sản xuất phải tuyên truyền vận động người thân chấp hành nghiêm các quy định về PCCC; đối với lãnh đạo, cán bộ, công chức, các cơ quan tổ chức không được can thiệp vào hoạt động kiểm tra, xử lý vi phạm của lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH.
Trong quá trình triển khai, công tác rà soát, kiểm tra, xử lý vi phạm về PCCC và CNCH phải được triển khai quyết liệt, toàn diện, đảm bảo khách quan và tuân thủ các quy định của pháp luật; đảm bảo tất cả các cơ sở phải được kiểm tra, xử lý; cơ sở đang bị tạm đình chỉ, đình chỉ hoạt động phải được giám sát chặt chẽ; không để tồn tại lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm; chống tiêu cực trong giám sát, kiểm tra.
Thực hiện Kế hoạch tổng rà soát, kiểm tra an toàn PCCC và CNCH sẽ tiến hành kiểm tra đột xuất và định kỳ, đối với những cơ sở đã kiểm tra định kỳ thì sẽ phúc tra lại để xem việc thực hiện các hướng dẫn, kiến nghị tồn tại đến đâu; kiểm tra các trang thiết bị, phương tiện, công tác sẵn sàng chiến đấu. Qua đợt tổng rà soát, kiểm tra an toàn PCCC xác định tính chất mức độ, quy mô của các cơ sở nhằm ngăn chặn đẩy lùi, tiến tới chấm dứt xảy ra cháy gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, làm chết người do nguyên nhân chủ quan.
Cùng với đó, chủ động phát hiện những tồn tại, hạn chế, thiếu sót trong công tác quản lý nhà nước về PCCC và CNCH; làm tốt công tác tham mưu với cấp ủy, chính quyền các cấp nhằm phát huy vai trò, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cơ sở và người dân trong công tác PCCC và CNCH tại địa bàn. Kết hợp tổng kiểm tra, rà soát với tăng cường tuyên truyền nâng cao ý thức, kỹ năng của người dân về PCCC và CNCH; kiện toàn, củng cố lực lượng tại chỗ làm công tác PCCC và CNCH tại khu dân cư, cơ sở đáp ứng phương châm “4 tại chỗ”.
Tính từ 15/10 đến 05/10 Lực lượng Công an, UBND các cấp đã tiến hành kiểm tra gần 8.000 cơ sở trên địa bàn toàn tỉnh, xử phạt hơn 170 trường hợp với tổng số tiền hơn 5 tỷ đồng, tạm đình chỉ hoạt động 88 trường hợp, đình chỉ 7 trường hợp không đảm bảo an toàn về phòng cháy chữa cháy. Trong đó lực lượng Công an huyện Thanh Miện, UBND cấp xã đã tiến hành kiểm tra hơn 300 cơ sở; xử phạt 10 trường hợp với tổng số tiền 188 triệu đồng, tạm đình chỉ 02 cơ sở không đảm bảo an toàn PCCC. Yêu cầu 100% các cơ sở phải khắc phục ngay những tồn tại về PCCC. Chỉ được đưa vào hoạt động khi đảm bảo yêu cầu an toàn PCCC và CNCH.
Để có kết quả cao, thủ trưởng các cơ quan đơn vị, UBND các cấp cần phải quán triệt nhận thức rõ, hiểu sâu kế hoạch này, phải huy hiệu quả phong trào toàn dân tham gia công tác PCCC. Đồng thời, chủ động tham mưu với cấp ủy, chính quyền cơ sở ban hành các văn bản, chỉ đạo quyết liệt các ngành chức năng phối hợp chặt chẽ tổng kiểm tra, rà soát và chỉ cho phép các cơ sở hoạt động trở lại khi đủ điều kiện an toàn PCCC.
Đội Cảnh sát PCCC và CNCH - Công an huyện Thanh Miện