Điển hình như vụ cháy nhà dân ngày 25/3/2021 xảy ra tại phường 4, quận 8, TP Hồ Chí Minh làm chết 03 người; Vụ cháy nhà dân ngày 30/3/2021 tại phường Cát Lái, TP Thủ Đức, TP Hồ Chó Minh làm chết 06 người; Vụ cháy nhà dân ngày 04/4/2021 tại phường Hàng Bột, quận Đống Đa, TP Hà Nội làm 04 người chết; Vụ cháy nhà ở kết hợp sản xuất kinh doanh ngày 07/5/2021 tại 47 Lạc Long Quân, phường 1 Quận 11, TP Hồ Chí Minh làm 08 người chết; Vụ cháy nhà dân ngày 05/6/2021 tại số 812 Quang Trung, phường Chánh Lô, TP Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi làm chết 04 người; Và gần đây nhất là vụ cháy nhà ở kết hợp kinh doanh phòng trà ngày 15/5/2021 trên đường Đinh Công Tráng, phường Lê Mao, thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An làm 06 người chết.
Công an huyện tập huấn công tác chữa cháy tại xã Đoàn Tùng
Hiện nay đang ở thời điểm nắng nóng, nguy cơ cháy nổ tăng cao. Để chủ động phòng ngừa, hạn chế thấp nhất xảy ra các sự cố cháy, nổ trên địa bàn huyện, Công an huyện Thanh Miện khuyến cáo mỗi người dân, mỗi gia đình cần quan tâm hơn nữa tới công tác PCCC và thực hiện các biện pháp phòng ngừa ngăn chặn như sau:
1. Đối với hộ gia đình, nhà ở kết hợp sản xuất kinh doanh:
- Cần kiểm tra nơi để đồ dùng, hàng hóa và các vật liệu khác có khả năng cháy, nơi để các loại hàng hóa và đồ dùng dễ cháy phải cách xa nơi đun nấu và các nguồn nhiệt khác;
- Kiểm tra an toàn phòng cháy chữa cháy tại nơi thờ cúng, khoảng cách từ ngọn hương đèn phải cách trần tối thiểu là 0,5m. Không để các đồ vật dễ cháy như hương, đèn, vàng mã sát nơi đốt hương, đèn; khi thắp hương, đốt vàng mã phải theo dõi quản lý.
- Không dự trữ xăng, dầu, cồn trong nhà khi không cần thiết.
- Các hàng hóa, vật liệu dễ cháy phải được bố trí cách xa đường dây dẫn điện, nơi phát sinh ra nguồn lửa, nguồn nhiệt, chấn lưu đèn neon, bảng điện khoảng cách tối thiểu là 0,5m.
- Lắp đặt sử dụng hệ thống điện, thiết bị điện phải đảm bảo an toàn PCCC: Thiết kế lắp đặt bảo đảm đủ công suất cấp cho các thiết bị sử dụng, có thiết bị đóng, ngắt, bảo vệ cho hệ thống chung toàn nhà và từng tầng, nhánh và thiết bị tiêu thụ điện có công suất lớn, cầu dao, aptomat nên lắp đặt tại vị trí thuận tiện cho việc ngắt điện, Bố trí tách biệt hệ thống điện của khu vực sản xuất, kinh doanh với các khu vực khác của nhà. Không nên sử dụng nhiều thiết bị điện trên cùng một ổ cắm, lắp đặt các thiết bị sinh nhiệt lớn cần có khoảng cách an toàn đến các vật dụng dễ cháy.
- Thường xuyên kiểm tra, sửa chữa, thay thế thiết bị điện hư hỏng hoặc không đảm bảo an toàn, có nguy cơ dẫn đến chạm chập, ngắt mạch điện. Các dây dẫn vỏ cách điện bị lão hóa, rạn nứt phải được thay thế; các mối nối trên dây dẫn điện phải được siết chặt; các thiết bị điện lắp đặt trong nhà phải đảm bảo an toàn.
- Có sơ đồ chỉ dẫn thoát nạn chung; có hệ thống đèn chiếu sáng sự cố, đèn chỉ dẫn hướng và đường thoát nạn. Trang bị phương tiện chữa cháy, cứu người phù hợp với quy mô, tính chất nguy hiểm cháy nổ của cơ sở.
2. Dự kiến các tình huống thoát nạn khi có sự cố cháy, nổ xảy ra
- Đối với nhà có một lối thoát nạn, cần bố trí thêm lối thoát nạn thứ hai (có thể là cầu thang sắt ngoài nhà, ống tụt, hoặc thang dây, dây thả chậm đặt tại ban công, lô gia, sân thượng; lối sang mái của nhà bên cạnh để thoát nạn trong trường hợp khẩn cấp).
- Đối với lối đi, lối thoát nạn cần lưu ý giảm thiểu đến mức thấp nhất tác động của các yếu tố nguy hiểm từ đám cháy, không để phương tiện, hàng hóa, đồ dùng, vật liệu dễ cháy, nguồn lửa, nguồn nhiệt trên lối thoát nạn, cửa đi ra ngoài tại tầng 1 nên sử dụng cửa có bản lề (cửa cánh) hạn chế sử dụng của trượt, cửa cuốn, nên bố trí nơi để chìa khóa, dụng cụ phá dỡ thông thường (búa, rìu, xà beng… ) trong nhà để kịp thời mở cửa khi xảy ra sự cố cháy nổ.
- Đối với nhà có ban công hoặc cửa sổ ở mặt tiếp giáp với đường giao thông, cần đảm bảo thông thoáng để thoát nạn khi cần thiết; trường hợp lắp đặt lồng sắt, lưới sắt thì nên bố trí ô cửa để thoát nạn khi có sự cố cháy, nổ xảy ra. - Đối với tầng mái (sân thượng) nên có lối lên từ tầng dưới qua cầu thang hoặc ô cửa có kích thước đủ rộng để có tể di chuyển lên tầng mái và tính toán đến khả năng thoái nạn sang nhà liền kề.
3. Thoát nạn khi có sự cố, cháy, nổ xảy ra
- Mỗi thành viên trong gia đình cần nắm rõ lối thoát nạn tại tầng 1, lối ra khẩn cấp (lối thứ 2), vị trí để chìa khóa, dụng cụ phá dỡ trong nhà; tại khu vực sản xuất kinh doanh, cần phổ biến cho người lao động, sinh sống trong nhà về nội quy, biện pháp thoát nạn, nhận biết chỉ dẫn thoát nạn (biển chỉ dẫn hay đèn thoát nạn), sơ đồ chỉ dẫn thoát nạn để kịp thời thoát nạn, cứu nạn cứu hộ khi có sự cố cháy, nổ xảy ra.
- Khi phát hiện có sự cố, cháy, nổ xảy ra hãy: Bình tĩnh suy xét, hô hoán báo động cho tất cả các thành viên trong gia đình biết để mau chóng di chuyển ra ngoài qua lối thoát nạn an toàn hoặc qua lối nên mái, ban công, cửa sổ sang nhà bên cạnh hoặc thoát xuống bằng thang dây, đồng thời báo ngay cho Cảnh sát PCCC và CNCH theo số điện thoại 114.
Trong quá trình di chuyển qua đám cháy nên dùng khăn thấm ướt che kín miệng, mũi và cúi thấp người để tránh nguy cơ bị ngạt khói, men theo tường và di chuyển đến nơi an toàn. Trường hợp cửa chính bị lửa bao trùm hãy nhanh chóng tìm và mở lối thoát nạn khác (lối thoát nạn thứ 2) qua ban công, cửa sổ, sân thượng sang nhà bên cạnh hoặc thoát xuống bằng thang dây hoặc bố trí lối thoát trên mái nhà có kết cấu bằng tấm lợp; tuyệt đối không núp trong phòng, nhà vệ sinh. Trường hợp không có lối thoát nào khác hãy dùng chăn thấm ướt, chùm kín người, cố gắng thoát qua đám cháy nhanh nhất có thể. Trường hợp lối và đường thoát nạn bị nhiễm khói, lửa mà không thể thoát từ gian phòng ra ngoài theo lối cầu thang bộ, cửa chính; nhanh chóng sử dụng khăn vải, băng dính để chèn, dán kín vào khe cửa để ngăn khói, khí độc vào phòng đang ở, di chuyển qua ban công để báo hiệu cho lực lượng PCCC hỗ trợ biết, ứng cứu kịp thời.
Đội Cảnh sát PCCC & CNCH- Công an huyện Thanh Miện