Học sinh, sinh viên là thành phần rất trẻ, nhiệt huyết, là tương lai của đất nước, địa phương, có khả năng nắm bắt tốt và đi đầu trong công nghệ thông tin, khoa học – kỹ thuật. Tuy nhiên, các em dễ bị các thế lực thù địch lôi kéo, kích động do tâm lý đám đông, hiếu kỳ của tuổi học sinh, sinh viên, chưa có nhiều kinh nghiệm sống, mà chính bản thân các em cũng chưa thể nhận ra. Do vậy, nếu không cẩn thận các em sẽ vô tình dành một mảnh đất rộng trên mạng tiếp tay cho các thế lực thù địch, phản động lợi dụng để chống phá, xuyên tạc và vi phạm pháp luật.
Vấn đề đặt ra là các em phải biết cách tận dụng sử dụng mạng xã hội thành một phương tiện, một kênh thông tin hữu ích để tiếp thu tính đúng đắn, cách mạng, khoa học truyền tải các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước đến quần chúng, góp phần phòng, chống, ngăn chặn những tư tưởng, quan điểm sai trái, lệch lạc một cách hiệu quả.Hầu như học sinh trung học, sinh viên nào giờ đây cũng có điện thoại di động thông minh,máy tính để bàn; có những em còn có đủ cả máy tính bảng, máy tính để bàn, điện thoại di động. Thời lượng dùng internet của các em mỗi ngày thường tính bằng giờ đồng hồ, nhất là hiện nay dịch bệnh Covid19 diễn biến phức tạp, các em phải thường xuyên học trực tuyến tại gia đình, càng có nhiều thời gian sử dụng internet và mạng xã hội.
Chính các em cũng nhận ra nhiều thông tin, bài viết, hình ảnh không phù hợp khi sử dụng mạng xã hội; hàng loạt thông tin xấu độc không được kiểm soát, ảnh hưởng trực tiếp đến nhận thức và suy nghĩ, hành động của các em như:các tin, bài, hình ảnh, video clip có nội dung chống phá Đảng, Nhà nước, kích động biểu tình, phân biệt dân tộc, tôn giáo... tạo ra tâm lí hoang mang, nghi ngờ, bất mãn; những hình ảnh, clip riêng tư, nhạy cảm và tung các tin, bài, video clip thuộc về quyền riêng tư của cá nhân người khác khi chưa được người đó cho phép hoặc dùng những tin, bài, video clip đó nhằm bịa đặt thông tin sai sự thật, xúc phạm danh dự, uy tín và nhân phẩm của người khác; hình ảnh, bài viết, video có nội dung bạo lực, gây kích động, nội dung nhạy cảm không phù hợp lứa tuổi, gây nguy hại chèn vào các kênh youtube, trang web của trẻ em, học sinh, sinh viên nhằm truyền bá tư tưởng văn hóa không tốt… dẫn đến những vi phạm pháp luật bị xử lý.
Điển hình là ngày 01/11/2021, Công an tỉnh Hà Tĩnh đã ra quyết định xử phạt 04 học sinh trên địa bàn gồm: T.A.T (SN 2006) học sinh trường THPT Phan Đình Phùng; H.G.H (SN 2007) học sinh trường THCS Nguyễn Du; L.N.L (SN 2006) học sinh trường Đại học Hà Tĩnh và N.V.T.V (SN 2006) học sinh trường Cao đẳng nghề Việt Đức về hành vi cung cấp, trao đổi, truyền đưa hoặc lưu trữ, sử dụng thông tin số nhằm đe doạ, quấy rối, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác, do 04 học sinh này đã có hành vi xâm nhập một số lớp học trực tuyến trên địa bàn, thực hiện các hành vi gây nhiễu, quấy rối, xúc phạm tới lớp học và giáo viên đang trực tiếp giảng dạy trực tuyến gây mất an toàn cho học sinh và lo lắng, hoang mang cho phụ huynh, vi phạm quy định tại điểm g, khoản 3, điều 102, Nghị định 15/2020/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử. Ngay trong đầu năm 2022, Công an huyện Thanh Miện đã xử phạt 02 đối tượng trên địa bàn về hành vi sử dụng không gian mạng xúc phạm danh dự, uy tín, nhân phẩm người khác và cung cấp thông tin sai sự thật, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức với tổng mức phạt là 10.000.000 VNĐ (Mười triệu đồng).
Để chủ động phòng tránh những sai phạm trên, học sinh, sinh viên cần chủ động bằng một số biện pháp cụ thể sau:
Một là,giữ bí mật thông tin cá nhân, số điện thoại, địa chỉ nhà ở, thông tin tài khoản ngân hàng trên Internet, mạng xã hội … không cung cấp thông tin cho bất kỳ người lạ nào gọi đến, không chuyển tiền cho bất cứ ai, bất cứ yêu cầu nào khi không có căn cứ cụ thể, rõ ràng bằng văn bản của cơ quan có thẩm quyền.
Hai là,không chia sẻ những hình ảnh, bài viết hay video clip của cá nhân người khác khi chưa được họ cho phép cũng như tung những hình ảnh, bài viết hay video clip của cá nhân người khác để mục đích bôi nhọ danh dự, nhân phẩm của người đó; không chia sẻ, bình luận những thông tin về lịch sử, chính trị của đất nước không đúng sự thật.
Ba là, cảnh giác trước những lời mời, kêu gọi tham gia các hội, nhóm, phong trào “đao to búa lớn”,“vì cộng đồng” trên mạng xã hội, hoặc đặt những mục tiêu, chủ trương lớn song không rõ ràng.
Bốn là, tỉnh táo trước các thông tin bịa đặt sai sự thật bằng cách tích cực nghe, đọc các thông tin thời sự chính thống từ thời sự, các kênh truyền hình hoặc các trang web báo chí chính thống của Đảng, Nhà nước… Hiểu đúng bản chất thông tin, sự việc do internet, mạng xã hội cung cấp, chia sẻ là điều rất cần thiết hiện nay./.
Văn Tú (Công an huyện Thanh Miện)