Ngày 21/9, trong báo cáo hằng năm có tên “Tự do trên mạng 2021: Nỗ lực toàn cầu nhằm kiểm soát các đại công ty công nghệ”, tổ chức Freedom House (FH) đã đưa ra các cáo buộc sai sự thật về tình hình nhân quyền tại Việt Nam. Trong báo cáo này, FH “chấm điểm” Việt Nam ở mức 22/100 điểm, thuộc nhóm các quốc gia “không có tự do Internet”. Như thường lệ, trên các trang mạng Facebook, Blog, YouTube của tổ chức phản động Việt Tân, các đài VOA, RFA đua nhau khai thác, chia sẻ, bình luận, cổ súy, lợi dụng vào đó để tiếp tục vu khống Việt Nam. Báo cáo này cũng xuyên tạc rằng, dự thảo Nghị định hướng dẫn thi hành một số điều của Luật An ninh mạng do Bộ Công an Việt Nam soạn thảo, trong đó có bổ sung những yêu cầu đối với các công ty mạng về việc lưu trữ dữ liệu tại máy chủ ở Việt Nam là “mơ hồ”, nhằm “cho phép cơ quan chức năng có thể tiếp cận dữ liệu của người dùng”. Báo cáo xuyên tạc rằng, việc các công ty mạng xã hội tuân thủ những quy định của Việt Nam thì giới hoạt động, nhà báo, các nhà bảo vệ nhân quyền “sẽ đối mặt nguy cơ trước sự đàn áp nặng nề tiếng nói bất đồng chính trị của chế độ độc đảng”
Việt Nam luôn tôn trọng và bảo đảm quyền và lợi ích của công dân thế nhưng cũng như những quyền công dân khác khác, quyền tự do Internet không thể nằm ngoài hay đứng trên pháp luật
(Ảnh minh họa)
Trên thực tế, đánh giá, xếp hạng của FH thu thập không phải từ các nguồn chính thống, khách quan. Với Việt Nam, FH chủ yếu khai thác từ các trang mạng, các địa chỉ truyền thông vốn có thái độ thù địch hoặc thiếu thiện chí với Việt Nam; các thông tin sai lệch này chủ yếu xuất phát từ một số cá nhân, hội nhóm đội lốt “dân chủ, nhân quyền”, thực chất là các thế lực chống phá Việt Nam ở nước ngoài, một số phần tử vi phạm pháp luật ở trong nước. Tổ chức này không hề có bất cứ hoạt động khảo sát trải nghiệm thực tế nào ở nước ta, khi không có nguồn thông tin chính thống và không có các hoạt động kiểm chứng thông tin, mọi đánh giá, xếp hạng, kết luận vì thế đều phiến diện. Không những thế, trong đánh giá của FH đã vô cớ công kích, bóp méo pháp luật Việt Nam, nhất là pháp luật trong lĩnh vực không gian mạng. Đây là những biểu hiện cực đoan của FH đối với vấn đề tự do Internet ở VN. Internet tại Việt Nam chính thức bắt đầu từ cuối năm 1997 và phát triển nhanh chóng. Tuy là nước đi sau về Internet so với mặt bằng chung thế giới nhưng đến nay Việt Nam là 1 trong 20 nước có tỉ lệ sử dụng Internet nhiều nhất thế giới với khoảng 70 triệu người dùng (chiếm gần 70% dân số). Khẳng định rằng, các cơ chế, chính sách hiện hành cũng như những giải pháp hỗ trợ, định hướng phát triển Internet của Việt Nam đều tôn trọng, bảo đảm cho mọi cá nhân được tiếp cận Internet, bày tỏ chính kiến trên không gian mạng, tự do ngôn luận hoàn toàn không bị hạn chế nếu tuân thủ các quy định của pháp luật. Giống như xu hướng của nhiều nước trên thế giới, Việt Nam mong muốn thúc đẩy sự phát triển của mạng Internet, tuy nhiên, cũng có các biện pháp nhằm ngăn chặn những mặt trái của Internet gây ra như có những phát ngôn và hành động trái với bản sắc truyền thống văn hóa, thuần phong mỹ tục của dân tộc, cản trở sự phát triển xã hội, xâm phạm an ninh chínhtrị, trật tự an toàn xã hội của đất nước. Quyền tự do Internet không thể nằm ngoài, đứng trên pháp luật. Đối với Việt Nam, để phù hợp sự biến đổi của thực tiễn trong xu thế toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, nước ta đã điều chỉnh, bổ sung và không ngừng hoàn thiện hệ thống pháp luật nhằm đề cao, tôn trọng các quyền cơ bản, chính đáng của con người, trong đó có quyền tự do ngôn luận, tự do Internet. Tại Điều 25, Hiến pháp năm 2013 khẳng định: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định”. Đi sâu vào mặt tích cực, mặt tiêu cực của tự do Internet, suy đến cùng là do con người sử dụng nó vào mục đích tốt hay xấu. Tự do Internet không phải là thích viết gì thì viết, thích làm gì thì làm như cách mà FH cổ súy, tán dương. Hiện nay, việc lợi dụng cái gọi là “tự do Internet” của nhiều tổ chức, cá nhân phản động, tiêu cực để xâm phạm trật tự xã hội dưới hình thức tung tin giả, sai sự thật, tin xấu, độc,… trên mạng xã hội. Điều này đã và đang đem đến những hậu quả tiêu cực cho cả cộng đồng và xã hội. Nhất là trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp như hiện nay, sự hoảng hốt, lo sợ thái quá dễ gây phản ứng tiêu cực mang tính dây chuyền, không đáng có; dẫn đến nguy cơ gây khó kiểm soát tình hình và những hậu quả khó lường. Nội dung thông tin không đúng sự thật dễ làm người dân hiểu sai chủ trương, biện pháp phòng, chống dịch của cấp ủy, chính quyền các cấp; làm giảm sự đồng thuận trong xã hội; gây khó khăn cho công tác phòng, chống dịch bệnh trên phạm vi rộng; cản trở việc phát huy sức mạnh tổng hợp, tinh thần đoàn kết toàn dân trong "cuộc chiến" chống dịch COVID-19 hiện nay. Chỉ tính từ năm 2020 đến nay, Cục An ninh mạng và Phòng chống tội phạm công nghệ cao đã phối hợp với Công an các địa phương triệu tập đấu tranh hơn 1.800 đối tượng, khởi tố xử lý hình sự hơn 21 đối tượng, xử phạt vi phạm hành chính gần 500 đối tượng, nộp ngân sách Nhà nước hơn 5 tỷ đồng...
Trên địa bàn huyện Thanh Miện, trong năm 2021, Công an huyện đã phát hiện và xử lý nhiều vụ việc liên quan đến tội phạm sử dụng không gian mạng để xâm phạm trật tự xã hội. Có thể kể tới như vụ việc đưa tin sai sự thật về tình hình dịch Covid-19 trên mạng xã hội Facebook của đối tượng Ngô Thị Lan ngày 8/2/2020. Công an huyện đã lập hồ sơ vụ việc và ra quyết định XPVPHC với đối tượng này với số tiền phạt là 5.000.000 đồng; vụ xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín cá nhân trên mạng xã hội của đối tượng Trần Duy Quang, sinh năm 1989 ở Thanh Giang, Thanh Miện đã sử dụng tài khoản Facebook cá nhân đăng tin xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân và sử dụng hình ảnh cá nhân khác mà không được sự đồng ý; Vụ đối tượng Mai Văn Hiếu, sinh năm 2004 ở thôn Đoàn Phú, Thanh Tùng, Thanh Miện, Hải Dương sử dụng video clip nhạy cảm của người khác đe dọa phát tán trên mạng xã hội nhằm cưỡng đoạt tài sản. Công an huyện Thanh Miện điều tra và khởi tố vụ án, khởi tố bị can về tội “Cưỡng đoạt tài sản” theo Điều 170 Bộ Luật hình sự.
Như vậy, “Tự do Internet” không có nghĩa là “thích làm gì thì làm, thích phát ngôn như thế nào cũng được” theo như luận điệu của một số tổ chức, cá nhân đã đưa ra. Mạng xã hội hiện nay như một thế giới khác mà mọi thứ được thực hiện ẩn sau màn hình chiếc máy tính, điện thoại hay một loại phương tiện thông tin khác. Nếu Nhà nước không kịp thời thiết lập hành lang pháp lý chặt chẽ, an toàn trên môi trường mạng để bảo vệ những người tham gia trên môi trường đó thì sẽ gây ra những hậu quả khôn lường đối với không chỉ các cá nhân mà còn với cả cộng đồng và xã hội. Việt Nam luôn tôn trọng và bảo đảm quyền và lợi ích của công dân thế nhưng cũng như những quyền công dân khác khác, quyền tự do Internet không thể nằm ngoài hay đứng trên pháp luật.
Nguyễn Thị Thắm- Công an huyện